Các xã vùng hồ Thủy điện Hòa Bình địa hình chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Hơn 40 năm sau chuyển dân phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định, thường đối mặt với thiên tai, trượt sạt, biến đổi khí hậu.
Người dân xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình.
Đến nay, vẫn còn những "vùng trũng” thiếu đủ bề. Đó là những xóm lênh đênh theo con nước sông Đà. Xã Sơn Thủy (Mai Châu) được sáp nhập từ các xã Phúc Sạn, Ba Khan và các xóm Suối Lốn, Mó Rút của xã Tân Mai. Xã có 5/11 xóm thuộc vùng hồ: Gò Lào, San Sộp, Phúc, Suối Lốn, Mó Rút. Mấy chục năm trước, bà con nhường đất, nhà cửa, ruộng vườn phục vụ xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Đất đai, hoa màu chìm dưới nước hồ sâu, đồng bào vén lên cao, bám đồi núi, bám hồ sinh sống cho đến nay vẫn chưa ổn định.
Dẫn chúng tôi thăm các xóm, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Bùi Văn Yêu - người gắn bó gần cả cuộc đời ở vùng đất này cho biết: Thiếu đất làm nhà và đất sản xuất - 2 vấn đề đến nay rất khó giải quyết. Sau sáp nhập, địa bàn xã dài tới 30 km nhưng mặt bằng để làm nhà, sản xuất rất khó tìm. Vùng hồ đã được đầu tư về hạ tầng, hỗ trợ sản xuất; hiệu quả nhất là cây luồng phù hợp và mang lại sinh kế lâu dài cho người dân.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Bùi Văn Yêu, người dân vẫn còn ám ảnh khi nhớ về đợt mưa lũ, sạt lở kinh hoàng cách đây gần 20 năm. Ngày ấy, mưa lớn dài ngày, núi nổ thành tiếng, đất đá ầm ầm lở xuống cuốn nhà cửa, san phẳng toàn bộ diện tích lúa cấy vốn rất vất vả mới tạo lập được; lúa thành bùn nhão, nhà cửa bị vùi lấp, bà con chạy xuống thuyền tránh trú, thấp thỏm chờ cứu nạn, cứu tế. Cả xã phải di dân làm 3 đợt với 92 hộ về xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn), xã Đồng Tâm (Lạc Thủy); các hộ dân được cấp đất sản xuất, làm nhà ở, đến nay mới dần ổn định cuộc sống. Người đi đã không còn nỗi lo đất, đá vùi lấp nhưng vẫn muốn quay về quê để trồng luồng vì đây là nguồn thu nhập chính của bà con. Bây giờ, xã Sơn Thủy vẫn nằm trong vùng trượt sạt vì địa hình, địa chất không ổn định. Chỉ cần nghe tiếng sấm báo mưa, cán bộ và nhân dân chẳng thể ngủ vì nhiều điểm lở đất có thể ập xuống bất cứa lúc nào. Nhà nước cũng đang triển khai một số khu tái định cư tại chỗ như ở xóm Suối Nhúng để đảm bảo an toàn cho 43 hộ dân từ năm 2022 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Còn ở xóm Phúc vẫn còn những tảng đá to bằng nửa ngôi nhà nguy cơ trượt xuống vùi lấp nhà cửa. Ngoại trừ khu vực xã Ba Khan sáp nhập về xã là có mặt bằng, còn lại tất cả các xóm đang thiếu đất ở và đất sản xuất; hầu hết bà con phải làm nhà bên sườn đồi, núi. Mong muốn lớn nhất của người dân là được rà soát hỗ trợ xây dựng các điểm tái định cư tại chỗ để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.
Sau khi ngăn sông, vùng hồ có nhiều xóm bị cô lập, điều kiện rất khó khăn. Xóm Cò Xa, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là một trong những xóm trọng điểm vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà, là ốc đảo, nước hồ bao quanh. Tổng diện tích của xóm hơn 700 ha, chủ yếu là đất rừng. Xóm giáp với các xóm của xã các Trung Thành, Yên Hòa nhưng tứ bề nước vây. Để đến được đây phải di chuyển bằng thuyền từ bến cách UBND xã Tiền Phong khoảng 1 km và phải đi bằng thuyền của dân hơn 30 phút. Địa phận xóm Cò Xa sóng điện thoại chập chờn. Xóm rất ít dân chỉ khoảng 25 hộ, 94 nhân khẩu. Vì biệt lập và khó khăn nên xóm không thể sáp nhập. Nguồn sống chủ yếu của người dân vẫn là đánh bắt thủy sản, nuôi cá, trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi trâu, bò.
Chị Xa Thị Tương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Cò Xa tâm tư: Xe máy là để đi lại trên đường dân sinh nội xóm. Muốn xuống huyện phải dùng thuyền chở xe máy xuống bến Lanh, xã Cao Sơn rồi vượt dốc đi mãi mới tới chợ huyện. Trong xóm không có chi trường và không đủ điều kiện làm chi trường nên học sinh phải di chuyển bằng thuyền đến các chi trường trong xã. Khổ và thương con trẻ. Từ mầm non đến cấp tiểu học, THCS, học sinh phải đến trung tâm xã mới có trường. Cũng vì khó khăn nên giá nông sản thấp và bấp bênh; ví như cá trắm, chép bà con nuôi hoặc đánh bắt chỉ từ 50 - 60.000 đồng/kg, rẻ hơn nơi khác từ 10-20.000 đồng/kg, cá lăng cũng chỉ khoảng 70.000 đồng/kg. Cả xóm có 1,7 ha ruộng nước thì đợt mưa lũ năm 2017 đã san phẳng toàn bộ. Cuộc sống ở đây dù đã cải thiện song còn khoảng cách xa so với các xóm khác. Người dân mong được hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng. Vùng hồ Hòa Bình còn nhiều vùng trũng với những trăn trở, mong ước có cuộc bình an và ổn định hơn.
Bà con vùng hồ rời quê hương đến các địa phương khác cuộc sống cũng còn tâm tư. Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 764 hộ dân của Hòa Bình theo chương trình di dân đến nay đã cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn 24 hộ nghèo và cận nghèo, đặc biệt một số hộ không có đất sản xuất. Một số hộ ở thôn Ngọc Tặng, xã Bờ Y từ hồi di dân đi làm kinh tế đến nay được sắp xếp dọc theo tuyến đường liên thôn nhưng vẫn đang sinh sống trên đất nông nghiệp, chưa được cấp đất thổ cư. Do điều kiện xa quê, những giá trị văn hóa Mường dần bị mai một; bà con mong được hỗ trợ bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, được học tập thêm các mô hình du lịch cộng đồng, nghề dệt, titiếp cận các nghi lễ mo Mường và văn hóa truyền thống khác của dân tộc...
Do nằm ở địa hình vùng hồ chia cắt, địa chất yếu, thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, cuộc sống người dân ở nhiều khu vực luôn bất an trước mưa lũ, thiên tai, trượt sạt. Bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai của cơ quan chức năng gần đây đánh giá, trên địa bàn nhiều xã vùng hồ nguy cơ trượt sạt rất cao, tập trung ở các xã Suối Hoa (Tân Lạc), Sơn Thủy (Mai Châu); Nánh Nghê, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Tân Minh, Tiền Phong (Đà Bắc).
Huyện Đà Bắc có 83/122 thôn, bản còn các điểm nguy cơ cao về thiên tai, với 170 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét. Huyện có khoảng 850 hộ nằm trong khu vực nguy cơ về thiên tai, trong đó có 630 hộ nằm trong khu vực nguy trượt sạt đất, đá; 190 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Đợt mưa lũ năm 2017, 2018, đường 433 đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc và nhiều đường giao thông liên xã bị trượt sạt khối lượng đất, đá lớn chưa từng có. Đường bị bong bật, đứt gãy, ngầm tràn bị vỡ và người bị cuốn trôi. Suối Nánh trở thành suối dữ. Đất, đá bồi lấp lòng suối tới hàng chục mét, nhiều khu vực trở thành mặt đường. Bên cạnh đó, sản xuất chăn nuôi của người dân rất bấp bênh vì thiên tai, mưa lũ, biến đổi khí hậu, nuôi cá hồ năm được năm không.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiền Phong Xa Văn Quyền kể lại: Xóm Tút là xóm thường bị trượt sạt khu mưa lũ. Nhà nước đầu tư xây dựng khu tái định cư, người dân vừa mới ổn định cuộc sống thì cá bị chết hàng loạt do nắng nóng, sặc nước hồ. Giá các loại cá đều giảm tới một nửa, khó bán. Xã có 7 xóm ven hồ với 700 lồng cá. Cá trắm đen gần chục kg, cá chiên, lăng 1 - 3 kg cũng chết. Nhiều hộ trắng tay, biết bao tiền của, mồ hôi, công sức, dự định tan thành mây khói, cuộc sống chìm trong khó khăn. Năm đó, riêng huyện Đà Bắc bị thiệt hại hơn 30 tấn cá của người dân các xã: Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa. Thiên nhiên, thiên tai vùng hồ bất ổn, những biểu hiện của biến đổi khí hậu cùng những tác động tiêu cực đang tàn phá tự nhiên. Cuộc sống người dân vùng hồ thường trực nguy cơ bấp bênh, nhiều rủi ro.
Lê Chung