Hơn 450 công dân Việt Nam bị tạm giữ ở Myanmar đã về nước

Hơn 450 công dân Việt Nam bị tạm giữ ở Myanmar đã về nước
9 giờ trướcBài gốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pham Thu Hằng
Chiều ngày 15.5, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pham Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ việc công dân Việt Nam vi phạm quy định xuất nhập cảnh và bị tạm giữ tại Myanmar.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pham Thu Hằng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến ngày 15.5, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thái Lan và Myanmar đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, với các cơ quan liên quan của Việt Nam và các cơ quan chức năng của nước sở tại để đưa được hơn 450 công dân Việt Nam về nước.
"Bộ Ngoại giao đang tích cực làm việc với các quốc gia liên quan, tiếp tục chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan và Myanmar, phối hợp với các cơ quan sở tại và các cơ quan chức năng trong nước để tổ chức đưa các công dân còn lại về nước trong thời gian sớm nhất có thể", bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 15.5.
Theo đó, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam nâng cao cảnh giác trước lời mời chào ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao.
Khuyến cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ: Trước khi công dân quyết định đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu về nội dung, chế độ và địa điểm dự kiến làm việc để tránh rơi vào bẫy lừa đảo và trở thành người cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Trong trường hợp nếu người nhà của công dân Việt Nam muốn liên hệ và đề nghị được giúp đỡ, xin liên hệ với đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và cục lãnh sự theo tổng đài đường giây nóng và tổng đài bảo hộ công dân.
*Cũng tại cuộc họp báo chiều nay, liên quan đến lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với "Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982" (UNCLOS 1982).
Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền của các ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong các vùng biển của Việt Nam và các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không có các hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và cũng đã trao công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá nói trên.
HỒNG NHUNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/the-gioi/hon-450-cong-dan-viet-nam-bi-tam-giu-o-myanmar-da-ve-nuoc-134839.html