Công dân Việt Nam ở Myanmar được đưa về nước hôm 4/12. Ảnh: TTXVN
Theo bà Phạm Thu Hằng, việc hỗ trợ hồi hương được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan chức năng trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, cùng phía sở tại. Đây là nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân trong bối cảnh vi phạm quy định xuất nhập cảnh đang gia tăng.
Người phát ngôn nêu rõ, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục làm việc tích cực với các quốc gia liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp xử lý thủ tục, để đưa những công dân còn lại về nước trong thời gian sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục cảnh báo công dân Việt Nam cần hết sức cảnh giác trước những lời mời làm việc ở nước ngoài hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp là bẫy lừa đảo, khiến người lao động trở thành cư trú và làm việc bất hợp pháp, đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, bắt giữ hoặc trục xuất.
“Trước khi quyết định đi làm việc tại nước ngoài, công dân cần tìm hiểu kỹ về điều kiện làm việc, địa điểm, quy định pháp luật và thông tin từ các nguồn chính thống. Chúng tôi đề nghị người dân thận trọng, tránh sa vào các đường dây lừa đảo trá hình,” bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Đối với các trường hợp đang gặp khó khăn tại Myanmar hoặc Thái Lan, hay người thân có nhu cầu hỗ trợ, Bộ Ngoại giao đề nghị liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước liên quan hoặc Cục Lãnh sự qua đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Hoàng Nam - Khánh Vân