Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế tăng mạnh trong quý 2 đạt gần 2,82 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung nửa đầu năm nay, bà Trần Thị Ngọc Liên - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, kiều hối từ thị trường châu Phi có tốc độ tăng trưởng cao nhất (hơn 120%), tiếp theo là châu Âu (16%), châu Mỹ (12%) và châu Đại Dương (gần 9%)...
Ảnh minh họa.
Bà Trần Thị Ngọc Liên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, đánh giá lượng kiều hối chuyển về trong quý II năm nay qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế tăng mạnh so với cùng kỳ những năm gần đây. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM đạt 5,23 tỷ USD. Mức này tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời phản ánh sự ổn định của dòng kiều hối trong thời gian qua.
Xét theo thị trường, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM từ châu Phi có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt mức tăng 130,8%, châu Âu có tốc độ tăng 16%, châu Mỹ tăng 11,9%, châu Đại Dương tăng 8,9%.
Châu Á tiếp tục là thị trường chiếm tỷ trọng lớn và áp đảo, có thể nhờ vào đóng góp từ các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Hằng năm, Tp.HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Các tỉnh thành khác gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước (trước sáp nhập vào Tp.HCM) có lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng tính đến quý 2 đạt trên 127,5 triệu USD. Các tỉnh này không có tổ chức kinh tế hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kiều hối chuyển về đạt 27,2 triệu USD, Bình Dương đạt hơn 53,2 triệu USD, Đồng Nai đạt hơn 42,3 triệu USD và Bình Phước đạt hơn 4,6 triệu USD.
Gia Linh