Đóng cửa, tạm dừng kinh doanh hay treo biển cho thuê... tình cảnh này đã không còn hiếm trên những con phố thời điểm này, nguyên nhân chủ yếu là do biến động thị trường.
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết: “Yếu tố đầu tiên là do thị trường. Thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, ngày càng nhiều sản phẩm mới ra đời và sản phẩm cũ không còn nơi tồn tại, phát triển. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tồn tại 5-10 năm trở lại đây đã rời bỏ thị trường và dừng hoạt động".
Tại Hà Nội, tháng 1/2025, có tổng cộng 5.682 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động, trong khi, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh, hoàn tất thủ tục giải thể là 13.233.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, ngoài khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra doanh nghiệp theo địa chỉ đăng ký cũng khiến gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ngoài ra, việc giải thể doanh nghiệp này để thành lập doanh nghiệp khác cũng là quy luật phổ biến, khi nhiều doanh nghiệp quyết định đóng cửa các mô hình kinh doanh cũ, để mở ra những hình thức kinh doanh mới, hiệu quả hơn.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay: “Các doanh nghiệp kinh doanh buôn bán dựa trên các cửa hàng ở mặt đường thì trong thời gian vừa qua, việc đẩy mạnh kinh doanh online rõ ràng gia tăng. Cho nên họ có thể giải thể các doanh nghiệp có phương thức kinh doanh cũ để tái cấu trúc, trở thành doanh nghiệp mới có áp dụng phương pháp chuyển đổi số và nó sẽ hiệu quả hơn”.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2025, cả nước ghi nhận 33,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi đó, có tới 58,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, hoàn tất thủ tục giải thể. Điều này một mặt phản ánh quy luật đóng - mở doanh nghiệp; một mặt cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp cần được hỗ trợ.
Một khảo sát được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào Quý IV năm 2024 cho thấy, bốn khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là về đơn hàng (56,1%); về dòng tiền (37,7%); thông tin thị trường (31,7%); tiếp cận vốn vay (30,8%). Nhiều trong số họ vẫn chờ đợi những chính sách mới để vực dậy và phục hồi.
Hoàng Hợp
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/hon-58-nghin-doanh-nghiep-tam-dung-kinh-doanh-giai-the-305564.htm