Hơn 600 nhân viên y tế nghỉ việc năm 2024, TP.HCM vẫn thiếu điều dưỡng

Hơn 600 nhân viên y tế nghỉ việc năm 2024, TP.HCM vẫn thiếu điều dưỡng
3 ngày trướcBài gốc
Ngày 15-4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát cùng Sở Y tế TP.HCM về chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.
Người nghỉ việc phần nhiều chuyên môn cao
Trong báo cáo về nguồn nhân lực y tế, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2024, ngành y tế TP ghi nhận 642 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 286 bác sĩ, 259 điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên y, giảm 28,5% so với năm 2023.
Trước đó, trong năm 2023, ngành y tế TP có 898 nhân viên y tế nghỉ việc (350 bác sĩ, 365 điều dưỡng và hộ sinh), giảm 21,85% so với năm 2021 và giảm 41,4% so với năm 2022.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: PHẠM ANH
Nguyên nhân chính được xác định là do áp lực công việc lớn, thu nhập thấp và nhiều người chuyển sang làm việc tại các đơn vị y tế công lập khác hoặc cơ sở y tế tư nhân có thu nhập cao hơn.
Đáng chú ý, phần lớn nhân viên y tế nghỉ việc đều là những người có thâm niên, kinh nghiệm chuyên môn cao. Trong khi đó, lực lượng mới được tuyển dụng chủ yếu là bác sĩ, điều dưỡng trẻ vừa tốt nghiệp, cần thời gian đào tạo trước khi có thể đảm nhiệm công việc chuyên môn hiệu quả.
Bác sĩ Nam cho biết thêm, theo thống kê, tỉ lệ điều dưỡng, hộ sinh hoặc bác sĩ tại khối lâm sàng ở các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP hiện đạt 1,86, chưa đạt chỉ tiêu theo quy định là 2,5 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ - vốn là cơ cấu cần thiết cho việc chăm sóc người bệnh.
Các bệnh viện hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt điều dưỡng do chưa có chế độ thu hút phù hợp. Cạnh đó, công việc áp lực và đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi phải trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau cũng là nguyên nhân khiến nhiều người rời bỏ nghề.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Kiến nghị tăng phụ cấp cho nhân viên y tế
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Trung ương và Chính phủ cần tăng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm. Đồng thời, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho các vị trí khó tuyển dụng như điều dưỡng và hộ sinh lâm sàng, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.
Ngoài ra, Sở cũng đề xuất Bộ Y tế xem xét bổ sung các vị trí trợ lý điều dưỡng và trợ thủ nha khoa (yêu cầu trình độ trung cấp trở xuống) tại các cơ sở y tế công lập nhằm hỗ trợ điều dưỡng và giảm áp lực công việc.
Về hiệu quả đầu tư công, bác sĩ Nam cho biết, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021–2025, ngành y tế TP có 35 dự án được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí hơn 13.000 tỉ đồng.
Do tình trạng quá tải tại một số bệnh viện công lập, dẫn đến thiếu thiết bị y tế và cơ sở vật chất xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh. Trước tình hình này, một số đơn vị đã triển khai mô hình liên kết công - tư trong việc sử dụng trang thiết bị (cụ thể là hình thức đặt máy từ các đơn vị tư nhân).
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, các đơn vị không tiếp tục triển khai hình thức xã hội hóa này vì nhiều lý do.
Sở Y tế đã khuyến khích các đơn vị chủ động vay vốn, đặc biệt là vay theo chương trình kích cầu, để đầu tư trang thiết bị. Việc này nhằm giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh, tránh việc họ phải chịu thêm chi phí từ lãi suất sinh lời của nhà đầu tư hoặc thực hiện các dịch vụ không cần thiết.
Sở Y tế kiến nghị Trung ương và Chính phủ sớm hoàn thiện, ổn định các chính sách như chính sách đầu tư, ưu đãi giao đất hoặc cho thuê đất, và cơ chế hợp tác công - tư nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển y tế.
THẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/hon-600-nhan-vien-y-te-nghi-viec-nam-2024-tphcm-van-thieu-dieu-duong-post844548.html