Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá rằng, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng do đầu tư đã lâu, thiếu đồng bộ, nên qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi đó việc thu tiền sử dụng nước gặp khó khăn, thu không đủ bù chi, không đủ chi trả cho lực lượng trực tiếp quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, dẫn đến công trình kém bền vững và không hoạt động. Đáng kể hơn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước địa phương để nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng theo nhu cầu đặt ra.
Mục tiêu chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu hơn 65% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng 60 lít/người/ngày, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thông qua danh mục 35 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng huy động bổ sung lồng ghép nguồn vốn Trung ương, địa phương, vốn ODA và các nguồn vốn khác để tiếp tục triển khai xây dựng…
Theo đó, những công trình hoạt động kém bền vững, các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch bố trí các nguồn kinh phí được phân cấp, từ ngân sách địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư nâng cấp công suất cấp nước cho hộ gia đình theo nhiệm vụ thiết kế. Riêng những công trình không hoạt động, không còn khả năng khôi phục và người dân không còn nhu cầu sử dụng, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các huyện, thành phải lập thủ tục thanh lý theo quy định…
VĂN VIỆT