Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 300 cơ sở đăng kiểm với 553 dây chuyền kiểm định. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ có 280 cơ sở cùng 462 dây chuyền đang hoạt động.
Tính đến ngày 30/11/2024, các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc đã thực hiện kiểm định gần 5,4 triệu lượt phương tiện. Trong số đó, hơn 4,5 triệu lượt xe (chiếm 84,2%) đáp ứng tiêu chuẩn an toàn khí thải và bảo vệ môi trường. Ngược lại, hơn 852 nghìn lượt phương tiện (chiếm 15,8%) không đạt yêu cầu, buộc phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa và điều chỉnh để kiểm định lại.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết ngày 30/11/2024, tổng thu từ dịch vụ đăng kiểm đạt 836 tỷ đồng. Ước tính cả năm 2024, số thu sẽ đạt khoảng 936 tỷ đồng, tương ứng 114% so với kế hoạch tài chính đề ra.
Hơn 850 nghìn phương tiện trượt đăng kiểm lần đầu.
Tính đến hết ngày 30/11/2024, tổng thu phí sử dụng đường bộ từ các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc đạt 12.737 tỷ đồng. Ước tính cả năm 2024, con số này sẽ đạt 13.500 tỷ đồng, tương ứng 118% so với dự toán do Bộ Giao thông Vận tải giao.
Về nguồn nhân lực, năm 2023, ngành đăng kiểm đã đối mặt với khủng hoảng lớn khi hơn 900 người bị khởi tố, điều tra, trên tổng số 2.014 đăng kiểm viên trong hệ thống. Ngoài ra, tình trạng xin nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc diễn ra phổ biến, gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân sự, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và đăng kiểm viên có kinh nghiệm.
Hệ quả là nhiều hồ sơ tồn đọng, hàng loạt phương tiện đến hạn nhưng chưa được đăng kiểm, gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, việc khẩn trương bổ sung nhân lực trở thành nhiệm vụ cấp bách. Tính đến hết tháng 11/2024, đã có 489 đăng kiểm viên và 290 đăng kiểm viên bậc cao được cấp chứng chỉ và gia nhập hệ thống. Nhờ đó, tổng số đăng kiểm viên hiện đang hoạt động trong ngành đã tăng lên 1.920 người, cơ bản khôi phục lại quy mô nhân sự như trước thời kỳ khủng hoảng.
Lê Hương