Ðại đức Thích Ðạo Nguyên, một tu sĩ trẻ, người được xem là “chủ nhân” của lò Gốm chùa, người đã mày mò học hỏi tại các lò gốm khắp nơi trong nước, đồng thời tham khảo thêm sách báo về cách thức tạo tác ra những sản phẩm gốm phục vụ đời sống hằng ngày của nhà chùa cũng như xã hội, cho biết: “Người Việt chúng ta, chắc rằng không ai xa lạ với hình ảnh hoa sen, cây tre làng, triêng gióng của mẹ trong những buổi chợ sớm... Vậy đó! Những lát cắt hết sức bình dị, gần gũi trong bức tranh của cuộc sống đời thường chốn làng quê ấy đã được Gốm chùa đưa vào từng sản phẩm của mình là những chiếc bình pha trà, những bình cắm hoa, tượng Phật... trong tinh thần tĩnh lặng của chốn thiền môn".
Thầy Thích Ðạo Nguyên, chủ nhân xưởng Gốm chùa với sản phẩm của mình.
Thật vậy! Mỗi cái ly, cái dĩa, bình trà, bình cắm hoa với tạo hình gần gũi, với mảng sáng tối của màu tro, màu đất, làm cho người sử dụng như đang trở về chốn bình yên quen thuộc giữa sự bộn bề của xã hội hiện đại, xã hội của công nghệ 4.0 mà sự tạo tác ra hàng loạt sản phẩm giống nhau đến độ bình thường.
Thầy Thích Pháp Tuệ, Trụ trì chùa Tăng Hội, nơi sản xuất những sản phẩm gốm, đang góp ý cho đệ tử của mình khi tạo tác sản phẩm.
Chú tiểu Thiện mặc dù tuổi nhỏ nhưng vẫn tự tay tạo được những sản phẩm gốm tinh tế sau những giờ tu tập và học tập ở trường.
Ở đây, sản phẩm được tạo tác bởi Gốm chùa, cho dù cùng một tạo hình, có khi được làm ra trong cùng một thời điểm nhưng lại chẳng có cái nào giống cái nào. Sự độc đáo trong từng tác phẩm khiến chúng trở thành “độc bản” với sắc thái riêng, không trùng lặp. Ðó cũng là tinh thần tự đốt đuốc mà đi, tùy duyên theo hoàn cảnh, tự tại trong thế giới riêng của mình mà thầy Ðạo Nguyên và những cộng sự muốn truyền tải đến với nhiều người trong các tác phẩm Gốm chùa.
Ðào Minh Tuấn - Thiện Hoài thực hiện