Hôn mê tử vong vì rượu - 'biết rồi khổ lắm nói mãi'

Hôn mê tử vong vì rượu - 'biết rồi khổ lắm nói mãi'
8 giờ trướcBài gốc
Hôn mê, nguy kịch vì rượu
Mỗi ngày uống nửa lít rượu, một người đàn ông trú tại tỉnh Hà Tĩnh bị ngộ độc methanol nặng, nhập viện với các triệu chứng mệt, nồng độ cồn cao và rối loạn chuyển hóa nặng tại Khoa tâm chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Ngày càng có nhiều người bị ngộ độc don do uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc.
"Chồng tôi năm nay 40 tuổi, uống rượu thường xuyên nhiều năm nhưng trước giờ sức khỏe vẫn bình thường. Đợt này thấy anh ấy mệt mỏi, mất ăn mất ngủ nên nghĩ chỉ là cảm cúm nhẹ, không ngờ phải đưa vào viện. Anh ấy uống rượu ở các quán bán gần nhà. Rượu được chủ quán mua từ nơi khác về bán" bà Nguyễn Thị Thành, người nhà bệnh nhân, chia sẻ.
Tương tự, ông N.Đ.L. (60 tuổi, trú tại TP Vinh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, mất ý thức và nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả xét nghiệm xác định ông bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).
Theo người thân, ông L. có thói quen uống rượu nhiều năm. Trước khi nhập viện khoảng hai tuần, ông L. xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường nhưng vẫn duy trì uống rượu hàng ngày. Nhập viện, bệnh nhân được chỉ định lọc máu và thở máy. Nhờ điều trị tích cực, hiện sức khỏe ông L. đang dần ổn định.
Bệnh nhân nhập viện do sử dụng bia rượu nhiều năm được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, trong 5 năm qua, số ca ngộ độc methanol gia tăng đáng kể, hầu như tuần nào cũng ghi nhận bệnh nhân nhập viện vì uống phải loại cồn độc hại này.
"Methanol không gây hại ngay lập tức. Trong 48 giờ đầu, nó khiến người uống có cảm giác như dùng rượu bình thường. Nhưng sau đó, chất độc mới bắt đầu tấn công cơ thể, gây tổn thương não, mù mắt, suy đa tạng và có thể tử vong. Khi xuất hiện triệu chứng, nhiều trường hợp đã quá muộn để cứu chữa", bác sĩ Toàn cho biết.
Vì nguy cơ quá cao, các bác sĩ luôn phải đặt nghi vấn ngộ độc methanol với bất kỳ ca nhập viện nào do uống rượu, thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán kỹ lưỡng. "Ở Nghệ An, rượu không rõ nguồn gốc, pha chế kém chất lượng tràn lan, nên nguy cơ ngộ độc luôn rình rập", bác sĩ Toàn nhấn mạnh.
Gây tổn thương đa tạng
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, hầu hết bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng co giật, sảng rượu, kèm theo chấn thương do say xỉn. Các ca này thường phải điều trị kéo dài và có nguy cơ cao mắc bệnh mãn tính. "Ngộ độc methanol cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, nhất là khi đến viện muộn. Nhiều bệnh nhân phải thở máy, hồi sức tích cực và lọc máu để duy trì sự sống", bác sĩ Toàn nói.
Nguyên nhân chủ yếu là do uống rượu không rõ nguồn gốc, pha chế không đảm bảo an toàn. Dù may mắn qua cơn nguy kịch, không ít trường hợp vẫn phải đối mặt với di chứng nặng nề về thần kinh và thị giác.
Bác sĩ điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, có khoảng 30% ca nhập viện vì các bệnh lý gan, tụy và thần kinh đều có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Ngộ độc methanol có thể gây tổn thương não, suy thận cấp, thậm chí tử vong. Dù được cứu sống, nhiều bệnh nhân vẫn phải đối mặt với di chứng nặng như xơ gan, viêm tụy cấp hay rối loạn thần kinh ngoại biên. Nghiện rượu còn làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thực quản, gan, đại tràng và khiến người bệnh dễ mắc các rối loạn lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ gấp nhiều lần so với người không uống rượu.
Bác sĩ Toàn nhấn mạnh, rượu, bia không chỉ kéo theo hệ lụy xã hội như tai nạn giao thông, mất trật tự công cộng mà còn đặc biệt nguy hại đến sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy, người uống rượu bia từ mức trung bình đến nặng có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, hầu họng và thanh quản cao gấp 2-5 lần so với người không uống. Nguy cơ ung thư thực quản cũng tăng đáng kể, ngay cả khi chỉ uống với tần suất thấp. Đối với ung thư đại tràng, nguy cơ tăng từ 1,2-1,5 lần, còn ung thư tụy tăng từ 1,17-1,74 lần ở người uống nhiều.
Dù tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng với không ít người, rượu bia vẫn được nhìn nhận một cách khá dễ dãi. Trong mắt nhiều người, đây vẫn là "cầu nối" gần như bắt buộc trong các dịp lễ Tết, công việc hay sinh hoạt thường ngày. Tư tưởng "không uống là không vui, từ chối là mất lòng" vẫn len lỏi trong nhiều bữa tiệc, tạo nên một áp lực khó chối từ.
Thậm chí, không ít người vẫn tin rằng uống rượu vừa phải có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch dù đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học uy tín nào chứng minh điều đó. Cũng có người cho rằng chỉ cần dùng rượu, bia "xịn" thì sẽ an toàn cho gan, một quan niệm sai lầm nhưng lại phổ biến đến đáng lo ngại.
Theo đại diện Sở Y tế Nghệ An, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở người trưởng thành tại tỉnh này đang ở mức rất cao, đặc biệt là nam giới. Điều đáng lo ngại là sự thiếu hiểu biết hoặc thái độ xem nhẹ hậu quả khiến người uống không kiểm soát được hành vi.
Ngoài ra, để phòng chống tác hại của rượu bia, điều then chốt là thay đổi nhận thức cộng đồng chuyển từ việc xem như một phần của văn hóa sang nhìn nhận đó là nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe. Giải pháp cần thiết là đẩy mạnh giáo dục trong nhà trường, truyền thông và lồng ghép vào chương trình y tế dự phòng. Cùng với đó, y tế cơ sở cần phát huy vai trò trong phát hiện sớm các bệnh do rượu, đồng thời khuyến khích người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người uống rượu lâu năm, có biểu hiện mệt mỏi, vàng da, đau hạ sườn nên đi khám sức khỏe định kỳ.
Hoàng Trinh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hon-me-tu-vong-vi-ruou-biet-roi-kho-lam-noi-mai-169250522142748735.htm