Hơn nửa thế kỷ đau đáu tìm mộ anh trai liệt sĩ

Hơn nửa thế kỷ đau đáu tìm mộ anh trai liệt sĩ
6 giờ trướcBài gốc
Bức thư đặc biệt
Trong căn nhà nhỏ ở xã Kim Liên, tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Cương (SN 1955) bùi ngùi xem lại những kỷ vật của anh trai mình – liệt sĩ Bùi Đình Anh. Điều khiến ông trăn trở, là vẫn chưa tìm được mộ phần của anh trai.
Nhà ông Cương có 6 anh em, 2 trai, 4 gái. Ông Cương là người con thứ 2, sau liệt sĩ Bùi Đình Anh. Trong trí nhớ của ông Cương, anh trai mình là một người cao to, khỏe mạnh. Năm 1968, dù chưa đủ tuổi nhập ngũ, chàng trai Bùi Đình Anh vẫn tình nguyện lên đường tòng quân.
“Anh trai tôi rất yêu màu áo lính. Bố tôi lúc ấy là Đảng viên, luôn gương mẫu, động viên con đi bộ đội. Do đó, dù sinh năm 1952 nhưng anh Anh khai sinh năm 1950 để đủ tuổi nhập ngũ. Ngày ấy, tôi cùng bố đưa chân anh đi nhập ngũ ở xã Nam Tiến cũ. Anh đi một mạch không về, thư từ rất ít...”, ông Cương kể.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Bùi Đình Cương vẫn đau đáu việc tìm mộ của anh trai - liệt sĩ Bùi Đình Anh.
Tháng 9/1968, chàng trai Bùi Đình Anh nhập ngũ vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, thuộc Mặt trận B5, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Từ năm 1968 đến năm 1971, anh cùng đồng đội băng rừng, vượt suối, đối mặt với bom đạn ác liệt, tham gia nhiều trận đánh then chốt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua muôn vàn gian khổ, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.
Trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, chiến sĩ Bùi Đình Anh cùng đồng đội đã dũng cảm xông pha trận địa, tiêu diệt nhiều mục tiêu then chốt của địch. Ngày 14/3/1971, anh ngã xuống giữa trận đánh ác liệt nơi phía Nam Đường 9. Với những chiến công đã lập được, liệt sĩ Bùi Đình Anh được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Trong số ít những bức thư anh Bùi Đình Anh gửi về nhà, có một bức thư “đặc biệt” khiến gia đình ông Cương như chết lặng. “Một ngày cuối tháng 12/1971, khi gia đình nhận được tin có thư, lúc đó ai cũng nghĩ chắc là thư của anh Anh. Nhưng khi mở thư ra, cả nhà lặng đi. Bức thư không phải của anh Anh mà của anh Bùi Mộng Long, người đồng đội thân thiết của anh Anh tại đơn vị”, ông Cương chia sẻ.
Giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ cùng các giấy chứng nhận khen thưởng của liệt sĩ Bùi Đình Anh.
Lá thư có đoạn: “Ước mơ của chúng cháu là một ngày cùng nhau trở về, được về thăm quê Bác Hồ vĩ đại và gặp hai bác cùng các em. Nhưng giấc mộng đã tan. Giờ đây mỗi người một ngả. Trong trận đánh ở chiến dịch Nam Lào vừa qua, đồng chí Anh và cháu đã chiến đấu rất kiên cường, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Nhưng một sự không may đã đến – anh đã hy sinh anh dũng tại phía Nam Đường 9... Anh hy sinh vào ngày 14/3/1971…”.
Đau đáu tìm mộ anh
Ông Cương kể, khi nhận bức thư của anh Bùi Mộng Long, gia đình bàng hoàng, nhưng vẫn chưa tin anh Bùi Đình Anh đã hy sinh. Mãi đến năm 1972, khi gia đình nhận được giấy báo tử do Tiểu đoàn 3 - Mặt trận B5 gửi về xã kèm 3 giấy chứng nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3; 4 giấy chứng nhận khen thưởng ghi nhận thành tích chiến đấu của liệt sĩ, lúc ấy, gia đình ông mới chấp nhận sự thật.
“Bố mẹ tôi lúc ấy gục ngã. Không ai nói gì, nước mắt cứ thế trào ra. Bố mẹ cứ canh cánh nỗi buồn là anh nằm lạnh lẽo một mình trong rừng, không người ruột thịt hương khói cho anh. Trước khi mất, bố mẹ trăn trối là phải tìm được anh Anh, đưa anh về quê hương”, ông Cương nghẹn ngào.
Những kỷ vật của liệt sĩ Bùi Đình Anh được ông Cương cất giữ cẩn thận
Hàng chục năm qua, ông Cương vẫn lặn lội vào các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị để tìm mộ anh trai mình. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn là con số không. “Anh trai mất khi tôi còn nhỏ. Thông tin về anh cũng không nhiều, giấy báo tử chỉ ghi hy sinh tại mặt trận phía Nam nên gia đình không biết cụ thể ở đâu”, ông Cương nói.
Chiến tranh ác liệt, di ảnh của liệt sĩ Bùi Đình Anh cũng chẳng còn. Trên ban thờ, thay cho di ảnh của liệt sĩ Bùi Đình Anh là tấm Bằng Tổ quốc ghi công. Tấm bằng như một chứng tích về cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc. Gia đình mong muốn phục dựng ảnh của liệt sĩ Bùi Đình Anh. “Hơn nửa thế kỷ trôi qua, điều khiến tôi và gia đình trăn trở là mộ phần của anh trai đến nay vẫn chưa được tìm thấy…”, ông Cương bùi ngùi.
Điều mong mỏi của ông Cương là tìm thấy mộ anh trai - liệt sĩ Bùi Đình Anh
Đầu tháng 7 vừa qua, gia đình ông Cương đã quyết định trao tặng một số kỷ vật quan trọng của liệt sĩ Bùi Đình Anh cho Bảo tàng Quân khu 4, với mong muốn những ký ức thiêng liêng ấy sẽ tiếp tục được gìn giữ, lan tỏa và góp phần nhắc nhớ thế hệ hôm nay về sự hy sinh lặng thầm mà lớn lao của những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Tại buổi lễ tiếp nhận, đại diện Bảo tàng Quân khu 4 bày tỏ sự trân trọng sâu sắc đối với những kỷ vật thiêng liêng mà gia đình liệt sĩ Bùi Đình Anh đã gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ. Đồng thời khẳng định, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.
Ông Cương bàn giao một số kỷ vật của liệt sỹ Bùi Đình Anh cho Bảo tàng Quân khu 4
Bảo tàng Quân khu 4 sẽ tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật, lan tỏa những câu chuyện đầy xúc động về các Anh hùng liệt sĩ nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập.
Thu Hiền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hon-nua-the-ky-dau-dau-tim-mo-anh-trai-liet-si-post1764067.tpo