Hồn thiêng giữ cõi biên thùy

Hồn thiêng giữ cõi biên thùy
9 giờ trướcBài gốc
Cán bộ BĐBP tỉnh Quảng Ninh dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn. Ảnh: Đăng Bảy
Những tượng đài bất tử với non sông
Tháng Bảy - tháng của những hoạt động tri ân, của những nén hương nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, lại trở về với chiều dài đất nước. Trên khắp các tuyến biên giới, từ miền núi cao phía Bắc đến rẻo đất cuối trời phương Nam, ở đâu cũng thấy người dân lặng lẽ đến viếng, dâng hoa trước các bia tưởng niệm những người lính CANDVT - BĐBP (ngày nay) đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác xúc động trào dâng khi đứng trước Khu di tích lịch sử Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh). Nơi đây không chỉ lưu giữ ký ức bi hùng của cuộc chiến đấu giữ đất, giữ đồn, mà còn là biểu tượng sáng ngời về tinh thần bất khuất của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn CANDVT Pò Hèn (Đồn Biên phòng Pò Hèn ngày nay) và các công nhân đã anh dũng hy sinh vào ngày 17/2/1979. Ký ức đau thương ấy đến nay đã tròn 46 năm. Khi đó, đúng 5 giờ 30 phút sáng, địch sử dụng hỏa lực hạng nặng, đồng loạt tấn công đồn từ nhiều hướng bằng chiến thuật “biển người”. Dù lực lượng ít hơn, trang bị hạn chế, nhưng ta vẫn kiên cường bám trụ. Cuộc chiến không cân sức ấy đã khiến 45 CB, CS Đồn CANDVT Pò Hèn cùng 28 công nhân Lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn hóa thân vào đất mẹ. Đổi lại, hơn 250 tên địch bị ta tiêu diệt, hàng trăm tên khác bị thương...
Trong gần hai năm thực hiện cuốn sách “Những tượng đài bất tử trên biên giới”, tôi may mắn có dịp đến dâng hương tại tất cả các bia tưởng niệm liệt sĩ BĐBP trên cả nước. Mỗi nơi đi qua, mỗi tên người được khắc lại là một phần lịch sử máu lửa của dân tộc mà chúng ta không được lãng quên. Tại Đồn Biên phòng Phú Mỹ - Đồn CANDVT Phú Mỹ trước đây (thuộc tỉnh An Giang), đơn vị duy nhất trong toàn lực lượng có 100% CB, CS hy sinh, tôi đã đứng rất lâu như để gửi đến các anh lời tri ân từ thế hệ hôm nay...
Ngày 17/5/1978, sau nhiều đợt tấn công thất bại, quân Pol Pot điều 4 tiểu đoàn đánh thẳng vào Đồn CANDVT Phú Mỹ. Khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, CB, CS của đơn vị vẫn dũng cảm giương lê đánh giáp lá cà chứ quyết không hạ súng đầu hàng, không để kẻ địch bắt sống. Đến 12 giờ 15 phút, ngày 17/5/1978, toàn bộ 30 CB, CS đã anh dũng hy sinh... Trận đánh này của Đồn CANDVT Phú Mỹ đã nêu tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 20/12/1979, Đồn CANDVT Phú Mỹ và Thượng úy Hồ Đăng Khầm, Phó Đồn trưởng Đồn CANDVT Phú Mỹ được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Để các anh mãi mãi không bị lãng quên
Điều khiến tôi xúc động nhất là ở đâu cũng có nhiều người dân, các già làng, trưởng bản, CB, CS Biên phòng thuộc lòng từng cái tên trên bia mộ. Họ nhớ rõ từng trận đánh, từng chi tiết và gìn giữ những mẩu kỷ vật của các thế hệ đi trước như giữ một phần máu thịt của chính mình.
Ông Giàng Cồ Sén trò chuyện với cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long. Ảnh: Đăng Bảy
Tại Đồn Biên phòng Pha Long (tỉnh Lào Cai), tôi có duyên được trò chuyện với ông Giàng Cồ Sén - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pha Long, người đã trực tiếp chiến đấu cùng Đồn CANDVT Pha Long trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Khi nhắc đến đồng đội năm xưa, ông Giàng Cồ Sén như lặng người một lúc. Thắp nén hương, ông nghẹn ngào kể: Ngày 17/2/1979, khi tấn công vào Đồn CANDVT Pha Long, đối phương đã sử dụng tới 2 trung đoàn áp đảo từ nhiều phía với ý đồ đề bẹp sức kháng cự của ta. Bị rơi vào thế cô lập, bị bao vây, nhưng CB, CS Đồn CANDVT Pha Long vẫn kiên cường vừa chiến đấu, vừa phòng ngự. “Tuy rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nhất định không chịu đầu hàng” - ông Giàng Cồ Sén nói...
Sau những ngày chiến đấu khốc liệt, quân số hy sinh và bị thương gần hết. Đạn dược, lương thực không còn, lực lượng chi viện chưa tới kịp... Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, 11 giờ, ngày 19/2/1979, Thượng úy Trần Xuân Ngọc, Chính trị viên Đồn CANDVT Pha Long đã gửi đi bức điện như lời từ biệt: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”. Sau khi bức điện được gửi đi, đơn vị quyết định mở “con đường máu”, rút về hậu cứ... Trong 4 ngày anh dũng chiến đấu, Đồn CANDVT Pha Long đã tiêu diệt 740 tên địch, thu 30 khẩu súng, 120 quả lựu đạn, cùng 3.023 viên đạn các loại... Với những chiến công hiển hách, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Pha Long và chiến sĩ Lê Khắc Xuân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Trước bia tưởng niệm các liệt sĩ Đồn Biên phòng Pha Long, ông Giàng Cồ Sén khẽ nói: “Anh viết giúp chúng tôi. Viết sao cho đúng. Viết sao để thế hệ bây giờ luôn luôn ghi nhớ những người đã ngã xuống, để các anh mãi mãi không bị lãng quên”. Tôi đã hứa với ông và nỗ lực thực hiện lời hứa ấy bằng ngòi bút và bằng cả trái tim mình.
Được may mắn có dịp đến tri ân các anh hùng, liệt sĩ, được nghe kể về cuộc đời, số phận từng người khắc trên bia mộ, mới hay phía sau đó là những câu chuyện đầy xúc động. Đó là những mái nhà dang dở chưa kịp lợp, những lời hứa chưa trọn, những người mẹ bạc tóc ngóng con, người vợ chờ chồng, những đứa con thơ chờ cha. Tôi hiểu rằng, không thể kể hết tất cả trận đánh, không thể gọi tên đầy đủ mọi liệt sĩ. Nhưng là nhà báo, chiến sĩ, tôi chỉ cố gắng làm một điều: Viết thành thật và đầy đủ những gì họ đã làm, như chính họ đã sống, đã hy sinh. Tôi tin, khi chân đã chạm đất, mắt đã thấy, tai đã nghe và tim đã rung động thì từng trang viết sẽ có linh hồn. Và chính linh hồn ấy là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa máu xương và tương lai.
Hiện nay, trên cả nước có 136 đồn Biên phòng có CB, CS hy sinh qua các thời kỳ, với hơn 1.370 liệt sĩ. Trong đó, hơn 50 đồn và đơn vị Biên phòng đã xây dựng bia, nhà bia, đài tưởng niệm để mãi khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ - những người đã hiến dâng trọn đời mình cho từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Đăng Bảy
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/hon-thieng-giu-coi-bien-thuy-post492668.html