Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Hong Kong vừa tuyên bố tạm dừng toàn bộ dịch vụ bưu chính đối với hàng hóa gửi đến và đi từ Mỹ. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị thấp từ Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong.
Theo thông báo ngày 16/4 của chính quyền Hong Kong, các gói hàng gửi bằng đường biển sẽ bị ngừng tiếp nhận ngay lập tức, trong khi dịch vụ qua đường hàng không sẽ chấm dứt từ ngày 27/4. Tuy nhiên, các bưu phẩm chỉ chứa tài liệu như thư từ vẫn sẽ tiếp tục được vận chuyển bình thường.
Động thái này nhằm đáp trả quyết định chấm dứt chính sách "de minimis" của Mỹ, vốn cho phép miễn thuế và thủ tục hải quan đối với các đơn hàng giá trị dưới 800 USD. Trong thời gian qua, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein hay AliExpress phát triển mạnh nhờ bán hàng hóa giá rẻ sang Mỹ.
Tuy nhiên, đầu tháng 4, ông Trump ký sắc lệnh nâng thuế với các gói hàng nhỏ từ Trung Quốc lên 30%, và mới đây tăng vọt lên 120%. Từ tháng 6, mức thuế dự kiến sẽ gấp đôi – tương đương 200 USD cho mỗi món hàng, bất kể giá trị ban đầu. Hongkong Post đã lên tiếng chỉ trích mức thuế mới là “vô lý” và cảnh báo người dân cần chuẩn bị tinh thần chịu chi phí “cao ngất ngưởng” nếu muốn gửi hàng sang Mỹ thông qua các hãng vận chuyển tư nhân như FedEx hay DHL.
Việc tăng thuế và siết kiểm soát hải quan khiến Hong Kong – vốn được biết đến là trung tâm thương mại tự do – rơi vào thế khó. Đặc biệt, khi vị thế thương mại đặc biệt của đặc khu với Mỹ đã bị ông Trump gỡ bỏ từ năm 2020, các doanh nghiệp và cá nhân tại đây phải đối mặt với nhiều rào cản mới trong xuất khẩu.
Giới quan sát nhận định quyết định của Hong Kong cho thấy mức độ ảnh hưởng sâu rộng từ chính sách thương mại cứng rắn của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc, mà cả những người tiêu dùng Mỹ vốn quen với hàng giá rẻ nhập khẩu cũng sẽ chịu tác động rõ rệt.
Trong năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu tới 66 tỷ USD hàng hóa giá trị thấp từ Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 5,3 tỷ USD vào năm 2018 – minh chứng rõ ràng cho sự phụ thuộc của người tiêu dùng Mỹ vào mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Với việc chính sách de minimis bị hủy bỏ, thị trường này dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động trong thời gian tới.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng mức thuế mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc hiện đã lên tới 145%, trong đó riêng thuế đối ứng chiếm tới 125%. Bắc Kinh cũng không ngồi yên khi liên tục đưa ra các biện pháp đáp trả như áp thuế nhập khẩu, siết xuất khẩu kim loại chiến lược và đưa doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen.
Giữa làn sóng trả đũa lẫn nhau, những người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ dường như đang trở thành bên chịu thiệt lớn nhất.
Duy Tuấn