Đề xuất hợp pháp hóa
Bà Mable Chan, lãnh đạo cơ quan giao thông vận tải Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, chính quyền đặc khu dự định hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe công nghệ và mở cửa lĩnh vực này cho tất cả người dân tham gia hoạt động taxi công nghệ. Dự thảo luật sẽ được xây dựng và đệ trình ngay trong năm nay.
Uber và nhiều hãng gọi xe công nghệ khác đã tham gia sâu rộng vào thị trường taxi vốn rất cạnh tranh tại Hong Kong. Ảnh: CNN.
Bà Chan cũng chia sẻ, Ủy ban Tư vấn giao thông của chính quyền sẽ gặp gỡ 4 công ty khai thác dịch vụ gọi xe tại Hong Kong gồm Uber, Tada, Amap và Didi Chuxing trong tháng 2.
Đồng thời chính quyền cũng sẽ sắp xếp để trao đổi với đội ngũ taxi truyền thống, là nhóm tài xế khả năng cao sẽ phản đối dự luật mới.
Ông Alejandro Reyes, Giáo sư chính trị và hành chính công của Đại học Hong Kong, hoan nghênh động thái của chính quyền đặc khu. Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sân chơi bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
"Quy định mới phải đảm bảo taxi công nghệ đáp ứng mọi yêu cầu cấp phép và chi phí liên quan tương đương với taxi truyền thống, yêu cầu dịch vụ cung cấp trên cả hai loại hình taxi phải an toàn, sạch sẽ cho hành khách", Giáo sư Reyes cho hay.
Giới taxi truyền thống phản đối
Ông Gary Zhang Xinyu, thành viên Ban Giao thông thuộc Hội đồng Lập pháp Hong Kong, hoan nghênh động thái của các nhà chức trách, nhấn mạnh nên bao hàm các quy định quản lý chặt chẽ nền tảng và phương tiện taxi, trọng tâm là vừa đảm bảo số lượng phương tiện vận hành hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, lãnh đạo Uber Hong Kong tin tưởng khung pháp lý hợp lý vừa đảm bảo an toàn cho hành khách, chất lượng dịch vụ cũng như tạo cơ hội gia tăng thu nhập cho các tài xế. Uber Hong Kong cho rằng, dịch vụ gọi xe công nghệ và taxi truyền thống không những cùng tồn tại mà sẽ còn cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.
Trước kế hoạch hợp pháp hóa và mở cửa thị trường taxi công nghệ của chính quyền Hong Kong, ông Wong Po-keung, Chủ tịch Hiệp hội Chủ sở hữu Taxi Hong Kong, kiên quyết phản đối: "Tài xế taxi truyền thống đã phải vật lộn để kiếm sống. Chính phủ nên hạn chế mở rộng hoạt động của các dịch vụ gọi xe".
Ông Ryan Wong Cheuk-pong, Chủ tịch Hội đồng Taxi Hồng Kông cũng lên tiếng phản đối dịch vụ gọi xe công nghệ cho rằng, việc hợp pháp hóa và mở rộng dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm càng thêm trầm trọng.
Căng thẳng kéo dài
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ứng dụng gọi taxi công nghệ Uber đã ra mắt tại Hong Kong vào năm 2014 và nhanh chóng phổ biến với nhiều hành khách đi taxi tại đây.
Kể từ đó, đã có thêm 3 nền tảng gọi xe khác tham gia vào thị trường, gồm Tada, Amap và Didi Chuxing.
Nhiều tài xế taxi truyền thống tại Hong Kong phải chi trả khoản phí khổng lồ để hành nghề. Ảnh: CNN.
Song đến nay trên lý thuyết dịch vụ này vẫn là bất hợp pháp tại Hong Kong vì cách tiếp cận mơ hồ, không rõ ràng của chính quyền địa phương.
Trong suốt thời gian dài, nhiều tài xế taxi công nghệ sử dụng xe cá nhân để hoạt động, nhận chở khách có trả tiền nhưng không có giấy phép hoạt động taxi. Đặc biệt, những nền tảng gọi xe công nghệ hầu như không được quản lý chặt chẽ, rất nhiều tài xế dễ dàng hoạt động "chui".
Trong khi đó, tài xế taxi truyền thống phải gồng gánh khoản phí khổng lồ để được hành nghề. Cụ thể, chi phí để có phương tiện taxi và giấy phép hoạt động từng lên đến đỉnh điểm 7,66 triệu đô la Hong Kong (HKD) (khoảng 25 tỷ đồng) vào năm 2009 nhưng đã hạ xuống khoảng 2,86 triệu HKD (khoảng 9,3 tỷ đồng) vào năm 2025.
Lượng giấy phép hành nghề taxi được cấp cũng bị giới hạn ở ngưỡng 1.500 giấy phép mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2021, khi chính quyền chỉ cấp 1.115 giấy phép hoạt động taxi thì Uber đã có hơn 216.000 tài xế đăng ký hoạt động.
Bảo hiểm thường niên cho taxi cũng có giá cao gấp 10 lần so với xe cá nhân thông thường. Tài xế thuê phương tiện để hành nghề taxi sẽ phải trả 550 HKD (khoảng 1,8 triệu đồng) cho 1 ca làm 12 giờ, tương đương 1/3 tiền lương một ngày.
Trái lại, tài xế taxi công nghệ chạy chui chỉ cần sử dụng một chiếc ô tô cũ có giá khoảng 60.000 HKD (khoảng 200 triệu đồng) và trả thêm khoảng 5.000 HKD (khoảng 16 triệu đồng) phí bảo hiểm. Hàng loạt khó khăn và bất cập khiến cánh tài xế truyền thống liên tục phản đối loại hình taxi công nghệ. Theo họ, tài xế Uber lách luật, làm đảo lộn thị trường và giành phần lợi nhuận vốn đã rất khiêm tốn trên thị trường taxi, khiến họ mất thu nhập.
Căng thẳng giữa taxi truyền thống và công nghệ leo thang đỉnh điểm vào năm 2024, khi nhiều tài xế taxi truyền thống đã bí mật giả làm hành khách để bắt quả tang, tố cáo những tài xế taxi công nghệ chạy chui cho cảnh sát.
Ngược lại, chính tài xế hợp tác với Uber cũng đáp trả bằng cách "chỉ điểm" hàng loạt vi phạm giao thông của taxi truyền thống, báo cảnh sát. Nhiều hình ảnh taxi truyền thống đỗ tại khu vực cấm đã bị đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội.
Thậm chí, đội ngũ tài xế Uber còn lập nhiều nhóm chat trên mạng xã hội để bàn cách trả đũa nhóm taxi truyền thống.
Liên đoàn taxi truyền thống tại Hong Kong cảnh báo giới chức sẽ tổ chức đình công kéo dài 5 ngày vào tháng tới nếu chính quyền không có phản hồi thỏa đáng trước yêu cầu siết chặt quản lý các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Lưu Gia Huy