Hồng Thái ngóng mùa nước đổ

Hồng Thái ngóng mùa nước đổ
3 ngày trướcBài gốc
Vào mùa hạ những cơn mưa rào xối xả mang một lượng nước lớn đổ xuống xã vùng cao Hồng Thái. Nước chảy trên mặt đất, nước ngấm xuống lòng đất, nước tuôn ra theo các mạch nước ngầm trên các sườn núi cao. Từ đó, nước tràn về trên những thửa ruộng bậc thang, đây là thời điểm kỳ vọng nhất của người dân địa phương, bởi nước về quyết định thắng lợi cho một vụ lúa duy nhất trong năm.
Người dân Hồng Thái đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp giải phóng sức lao động.
Một vụ duy nhất trong năm
Xã Hồng Thái nằm giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên nơi có những dãy núi cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Ở đây người dân khó đào giếng lấy nước ăn mà thường dẫn nước theo máng tre, ống nhựa từ những mỏ, mạch nước ngầm trong khe núi về sử dụng. Nước trong vắt, mát lạnh, đun sôi dùng pha chè Shan tuyết thì tuyệt hảo. Thấy Hồng Thái có khí hậu mát mẻ quanh năm, tuy đường giao thông đi lại hơi khó khăn, những tốp người Dao tiền, Mông, Tày vẫn quyết tâm lên đây lập nghiệp. Lúc đầu mỗi khu chỉ vài nóc nhà, qua thời gian trở thành những thôn dân cư sinh sống đông đúc.
Cây ngô được người dân Hồng Thái trồng quanh năm, nhưng không phải là lương thực chính. Ông Bàn Quý Tỉnh, dân tộc Dao tiền, thôn Khâu Tràng cho biết, các cụ xưa kể lại, lúc đầu lên đây ở cũng gian nan lắm nhưng các hộ cũng phải tìm hướng thích nghi. Mới đầu những người già có kinh nghiệm leo lên sườn núi tìm mạch nước ngầm và qua nhiều năm họ đúc rút ra được nó chỉ chảy ra đều đặn từ khoảng tháng 6 đến tháng 10 hằng năm. Bởi vậy việc đắp sườn núi làm ruộng bậc thang là có cơ sở. Sau những thửa ruộng bậc thang đầu tiên ở thôn Khâu Tràng được khai khẩn để cấy, lúa tốt bời bời, hạt chắc, ngon cơm, ai cũng phấn khởi. Lễ mừng cơm mới, cúng thần nước cứ thế mà len lỏi trong tín ngưỡng tâm linh của người dân bản địa.
Ở Hồng Thái sau một mùa đông băng giá, sang mùa xuân cái rét của vùng cao vẫn còn hiện hữu. Chỉ có mùa hạ, trời nắng, mưa nhiều là thời cơ cho trồng cây lúa nước phát triển. Do chỉ có một vụ trong năm nên người dân tính toán rất kỹ lưỡng từ khi cày bừa, cấy, thu hoạch đúng khung thời vụ. Các giống lúa thuần bản địa, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương được người dân ưu tiên sử dụng. Dần dà phong trào làm ruộng bậc thang từ Khâu Tràng lan sang Nà Kiếm, Pác Khoang, Khuổi Phầy, Nà Mụ, Hồng Ba, Bản Muông. Các hộ dồn toàn bộ nhân lực để vỡ đất hoang, mở rộng ruộng bậc thang. Sức lực chính để làm ruộng bậc thang chính là con người và những cây cuốc nhỏ. Kỹ thuật vạc bờ của họ dần dần trở thành điêu luyện. Có những bờ ruộng rộng chừng 30cm, nhưng cao tới hơn 3m, đòi hỏi người nông dân phải sử dụng thêm cả mai xén đất. Ở đây không phải xén cho bờ ruộng vuông vức, thẳng tắp mà phải xén theo sự uốn lượn của địa hình đồi núi.
Khi các thửa ruộng được định hình ổn định qua các năm canh tác, để giải phóng sức lao động, người dân Hồng Thái thường dùng trâu để cày bừa đất. Hiện nay, ở Hồng Thái đến 70% được cày bừa đất bằng máy cày nhỏ hay cày cóc. Nước từ các mạch ngầm chảy ra trong sườn núi được các hộ dẫn vào ruộng, cứ tràn từ ruộng trên xuống ruộng dưới cho đến hết vụ lúa. Nhờ vậy người dân trồng lúa còn tranh thủ thả thêm cá chép ruộng.
Ông Triệu Văn Quốc, dân tộc Dao tiền, thôn Nà Mụ chia sẻ, sau trận mưa rào ông đi thăm ruộng thấy các mạch nước ngầm trong sườn núi bắt đầu tuôn ra. Theo ông Quốc, năm nay nhuận hai tháng 6, cộng với nhiều hộ chờ thu hoạch ngô, vụ gieo cấy lúa sẽ kéo dài hơn mọi năm.
Năm nào cũng vậy, từ một vài thửa ruộng nhỏ được cày cấy rồi tỏa ra cả vùng. Ruộng tiếp ruộng như cơn sóng xô vào chân núi, tạo ra một bức tranh giữa lao động và thiên nhiên tuyệt mỹ.
Mùa nước đổ ở Hồng Thái là bức tranh giữa lao động và thiên nhiên.
Bức tranh du lịch sống động
Ở Hồng Thái sản phẩm du lịch nổi trội nhất mùa hè mà du khách muốn đến và ngắm chính là vẻ đẹp lãng mạn, quyến rũ của ruộng bậc thang màu đổ nước. Du khách có thể đi bộ dọc theo những bờ ruộng nhỏ, hít thở không khí trong lành của núi rừng, ngắm nhìn những lớp sóng nước lăn tăn trên bề mặt ruộng. Đặc biệt, vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, khung cảnh trở nên kỳ ảo hơn khi ánh nắng len lỏi qua từng đám mây, tô điểm thêm những sắc màu lung linh huyền ảo cho ruộng bậc thang.
Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thiên, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là người hay lên Hồng Thái chụp mùa đổ nước, cảm nhận: Khi nước được dẫn vào từng bậc ruộng, cả thung lũng Hồng Thái như biến thành một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời, mây trắng và những ngọn núi. Từng bậc ruộng loang loáng nước, ánh lên những gam màu khác nhau tùy thuộc vào góc nhìn và ánh sáng mặt trời, tạo nên một bức tranh thủy mặc sống động và đầy chất thơ. Du khách sẽ ngỡ ngàng trước sự tài tình của bàn tay con người đã tạo nên những công trình nghệ thuật vĩ đại giữa thiên nhiên.
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, du lịch mùa nước đổ ở Hồng Thái còn là cơ hội tuyệt vời để du khách tìm hiểu và trải nghiệm đời sống văn hóa của bà con dân tộc Dao, Tày, Mông. Mọi người có thể ghé thăm những ngôi nhà truyền thống, trò chuyện với người dân địa phương để hiểu hơn về phong tục tập quán, nghề nông và những câu chuyện về cuộc sống của họ. Chắc chắn du khách sẽ được chào đón bằng sự mến khách và nụ cười hồn hậu, giản dị, chất phác của người dân vùng cao. Đây cũng là thời điểm du khách có thể may mắn được chứng kiến hoặc thậm chí tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống như làm đất, gieo mạ hay cấy lúa và tất nhiên còn check - in những bức hình đẹp, đoạn video hấp dẫn. Những trải nghiệm này không chỉ mang đến sự gần gũi với thiên nhiên mà còn giúp du khách hiểu hơn về giá trị của hạt gạo, kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang của người nông dân vùng cao.
Hiện nay, xã Hồng Thái được tỉnh xác định là trọng điểm du lịch của tỉnh với nhiều sản phẩm độc đáo riêng có. Như mùa xuân có lễ hội hoa lê, mùa hạ ngắm mùa nước đổ, mùa thu say đắm với thảm vàng lúa chín và mùa đông lại thưởng thức những suối mây bất tận. Thôn nào cũng có vẻ đẹp, riêng thôn Khâu Tràng đã được tỉnh quy hoạch thành điểm du lịch cộng đồng đầy bản sắc của dân tộc Dao tiền. Ở đó kiến trúc nhà ở mái ngói âm dương truyền thống, trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của bà con được bảo tồn, phát huy. Chị Bàn Thị Thương, chủ homestay Mác Cọp thôn Khâu Tràng khẳng định, các homestay trên địa bàn đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để đón khách lên với mùa nước đổ. Chị rất vui khi thấy các nhiếp ảnh gia, nhà báo, giới văn nghệ sỹ, du khách thập phương tới Hồng Thái rất đông dịp này. Những hình ảnh ấn tượng về mùa đổ nước ở Hồng Thái hằng năm nhờ vậy được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Theo chị Thương, điều đó làm cho hình ảnh đất và người Hồng Thái ngày càng đến gần với công chúng yêu cái đẹp.
Quang Hòa
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/202507/hong-thaingong-mua-nuoc-do-7bb570e/