Năm 2015, khi được hỏi liệu ông có bao giờ nghĩ một ngày nào đó mình sẽ trở thành Giáo hoàng hay không, Hồng y Tagle cười và nói: "Tôi xin thú nhận công khai ở đây. Tôi thậm chí không quản lý được cuộc đời của mình thì làm sao tôi có thể tưởng tượng ra việc quản lý một cộng đồng toàn cầu".
Hồng y Tagle. Ảnh: Vatican News
Dù tự xem nhẹ bản thân nhưng hồng y người Philippines này lại nằm trong số những ứng viên tiềm năng kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis. Nếu được bổ nhiệm, ông sẽ là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Á trong thời hiện đại.
Theo báo Guardian, Hồng y Tagle có biệt danh là "Chito" và được mô tả là "Đức ông Francis của châu Á" do quan điểm tiến bộ và lối sống khiêm nhường của ông. Trước đây, ông đã chỉ trích quan điểm khắc nghiệt nhằm vào những người mẹ đơn thân, người đồng tính hoặc người đã ly hôn. Khi còn là giám mục của Imus, một thành phố gần thủ đô Manila của Philippines, ông thường di chuyển bằng xe jeep, xe công cộng giá rẻ và mời những người nghèo khổ dùng bữa cùng mình.
Nổi tiếng dễ gần và khiêm tốn, Hồng y Tagle cũng là một người hay ca múa. Các video về ông trên Tiktok đã được chia sẻ rộng rãi, giúp ông nhận được sự ủng hộ của nhiều người ở Philippines, nơi karaoke rất được ưa chuộng.
"Khi Hồng y Tagle phát biểu và thuyết giảng, ông ấy không chỉ là một linh mục bình thường, nghiêm nghị. Ông ấy còn hát. Ông ấy là người Philippines và là một linh mục hát karaoke", nhà sử học Michael Xiao Chua thuộc Đại học De La Salle nhận xét.
Theo ông Chua, Hồng y Tagle ứng biến rất tốt và giống như "một ngôi sao nhạc rock sau thánh lễ". Học giả này từng chứng kiến cảnh các tình nguyện viên phải vất vả sắp xếp đám đông người muốn đến gần để chào mừng Hồng y Tagle.
Hồng y Tagle đến từ đất nước được mệnh danh "lá phổi Công giáo của châu Á". Philippines, quê hương ông có số người theo Công giáo lớn nhất trong khu vực. Trong số 110 triệu dân ở Philippines có tới 88 triệu người theo Công giáo.
Trở thành linh mục từ một trò đùa
Theo StraitsTimes, Hồng y Tagle, 67 tuổi, sinh ra tại Imus, trong một gia đình có cha mẹ là người Công giáo và làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. "Ông ấy xuất thân trong một gia đình bình thường, không giàu cũng không nghèo", Mary John Mananzan, một nữ tu dòng Benedict và có quen biết Hồng y Tagle trong nhiều thập niên, cho biết.
Dù ban đầu muốn trở thành bác sĩ, nhưng trò đùa của một linh mục đã đưa ông tiến theo một con đường khác. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Shalom World, Hồng y Tagle kể: "Tôi đã quyết tâm trở thành bác sĩ nhưng sau đó một trong những linh mục ở giáo xứ đã chơi khăm tôi. Ông ấy nói có một trường đại học đang phát học bổng và nếu quan tâm, tôi có thể nộp đơn. Tôi có thể tham gia các kỳ thi và nếu đủ điều kiện, tôi sẽ trở thành bác sĩ với chi phí rất thấp. Vì vậy, tôi đã nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, đó lại là kỳ thi vào một chủng viện ở thành phố Quezon. Mọi chuyện bắt đầu như một trò đùa nhưng lại khiến tôi bàng hoàng, khiến tôi phải suy nghĩ. Liệu tôi có thực sự muốn trở thành bác sỹ hay Chúa có kế hoạch khác cho tôi".
Ông được thụ phong vào năm 1982 khi mới 24 tuổi. Sau đó, ông viết luận án tiến sĩ về Giáo hoàng Paul VI tại Đại học Công giáo Mỹ. Trong những năm tiếp theo, ông được bổ nhiệm làm Giám mục Imus và sau đó là Tổng Giám mục Manila. Năm 2012, ông được Giáo hoàng Benedict XVI phong làm Hồng y.
Năm 2019, Giáo hoàng Francis đã điều chuyển Hồng y Tagle từ Manila tới Vatican và bổ nhiệm ông làm người đứng đầu cơ quan phụ trách truyền giáo của Giáo hội - Bộ Truyền giáo.
Mật nghị hồng y bầu Giáo hoàng sẽ bắt đầu vào 7/5. Ảnh: EPA
Sự thăng tiến của Hồng y Tagle lên các cấp bậc cao nhất của Giáo hội Công giáo không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ông từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội cứu trợ và phát triển Công giáo Caritas quốc tế từ năm 2015 tới năm 2022. Sau đó, khi nhóm lãnh đạo của hiệp hội bị cách chức do những lo ngại về tình trạng quản lý yếu kém, Hồng y Tagle cũng bị ảnh hưởng dù ông không tham gia các hoạt động hàng ngày của tổ chức.
Tháng 3 vừa qua, nhóm Mạng lưới những người sống sót sau khi bị các linh mục lạm dụng, đã kêu gọi điều tra Hồng y Tagle và 5 hồng y khác vì tình nghi họ có liên quan tới việc xử lý các vụ việc lạm dụng trẻ em của chi nhánh Caritas quốc tế ở New Zealand và Cộng hòa Trung Phi. Hồng y Tagle không bình luận gì về việc này.
Các nhà vận động cáo buộc Hồng y Tagle đã không nỗ lực đầy đủ để giải quyết vấn nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội.
Khác biệt với các giáo sĩ truyền thống
Không giống nhiều giáo sĩ truyền thống, Hồng y Tagle đã sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ truyền bá kinh Phúc âm. Ông thu hút hơn 600.000 người theo dõi trên Facebook và khoảng 39.000 người theo dõi trên mạng xã hội X.
Các video về vị hồng y 67 tuổi này hát, nhảy nhiệt tình, kể những câu chuyện cười và làm trò hài hước trên sân khấu hoặc trên bục giảng đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Ông được coi là “papabile” – ứng cử viên giáo hoàng – được thế hệ Z ưa chuộng.
Paterno Esmaquel II, người chuyên đưa tin về các vấn đề Công giáo ở Philippines cho trang tin tức trực tuyến Rappler bình luận: "Hồng y Tagle là một người có khả năng giao tiếp rất tuyệt vời. Ông ấy có thể điều chỉnh ngôn ngữ của mình tùy theo đối tượng người nghe. Hồng y có thể nói chuyện với các nhà thần học, nhưng khi nói chuyện với người Công giáo bình thường, giọng điệu và thậm chí cấu trúc bài phát biểu của ông cũng thay đổi". Theo ông Paterno, đó chính là bí quyết đằng sau sức hấp dẫn rộng rãi của Hồng y Tagle, đặc biệt là với thế hệ Z.
Dự kiến, mật nghị hồng y bầu Giáo hoàng mới kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis sẽ diễn ra vào ngày 7/5. Nếu Hồng y Tagle được chọn làm Giáo hoàng, điều này sẽ được chào đón bằng những lễ kỷ niệm lớn ở Philippines.