Họp Ban Chỉ đạo Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch

Họp Ban Chỉ đạo Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đồng chủ trì. Cùng tham dự có lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương gồm: Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Điều tiết điện lực, Điện lực và Năng lượng tái tạo; đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch (Bộ Năng lượng, Khí hậu và Cơ sở hạ tầng Đan Mạch), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch lần thứ 4
Ghi nhận những nỗ lực của hai bên
Cuộc họp nhằm đánh giá những công việc đã thực hiện trong năm 2024 và đề xuất các hoạt động trong thời gian tới
Cuộc họp lần thứ 4, tập trung đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động năm 2024, thống nhất kế hoạch thực hiện Chương trình trong thời gian còn lại, đồng thời thảo luận định hướng hợp tác cho giai đoạn tiếp theo nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, góp phần vào quá trình chuyển dịch và phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết: Đan Mạch là đối tác quan trọng của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cuộc họp là cơ hội để hai bên rà soát, nhìn lại chương trình và định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại cuộc họp
“Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, một kỷ nguyên phát triển mới, năm 2025 chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, và như vậy nó sẽ được cụ thể hóa bằng những tăng trưởng trong ngành năng lượng. Như vậy chúng ta sẽ phải “tấn công” ở cả 2 lĩnh vực: Chuyển đổi năng lượng và tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng cùng với đó sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng không kém phần quan trọng”- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh và cho biết, năm 2025 Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự thảo luật sẽ được trình tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5 tới.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, ông Nicolai Prytz thống nhất đây là cuộc họp quan trọng. Đại sứ Đan Mạch đã gửi lời cảm ơn Bộ Công Thương với những bước phát triển tích cực trong ngành năng lượng.
Ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam
Ông Nicolai Prytz khẳng định, sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được ban hành đã có nhiều nghị định được ban hành. Trong năm cuối cùng của giai đoạn 3 chúng ta sẽ tổng kết lại những gì đã làm được và định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Quan trọng nhất là định hình lại, bắt nhịp những định hướng cùng vai trò của ngành năng lượng trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Đây là sẽ năm bận rộn và thú vị với cả hai bên. "Đặc biệt vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề cập là một trong những nội dung được chúng tôi đầu tư nhiều và đạt được kết quả khả quan và là nội dung được cộng đồng quốc tế ưu tiên”- ông Nicolai Prytz chia sẻ.
Đánh giá tiến độ thực hiện năm 2024
Tại cuộc họp, các đơn vị triển khai Chương trình cả hai phía Việt Nam và Đan Mạch đã tập trung đánh giá các kết quả triển khai Kế hoạch thực hiện năm 2024 cho 3 hợp phần của dự án.
Ông Loui Algren- Quản lý dự án quốc gia, Cục Năng lượng Đan mạch
Theo đó, đối với Hợp phần 1 – Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn (do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì thực hiện): Trong năm 2024, Hợp phần tập trung nâng cao năng lực cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, EVN và các bên liên quan. Một trong những hoạt động nổi bật là việc xây dựng và công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) vào tháng 6 năm 2024. Báo cáo cung cấp các kịch bản phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050 và các lộ trình để đạt được cam kết phát thải ròng bằng không.
Hợp phần 2 - Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện (do Cục Điều tiết điện lực chủ trì thực hiện): Trong Hợp phần này, dự án đã tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực vận hành hệ thống điện linh hoạt, an toàn và hiệu quả nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tích hợp vào hệ thống điện. Một số hoạt động nổi bật gồm nghiên cứu tăng cường tính linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện than, các khóa tập huấn về an ninh mạng và thảo luận về các chủ đề liên quan khác, như: tăng cường tuân thủ quy định của nhà máy năng lượng tái tạo, quy định cho trạm sạc xe điện (EV)...
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp (do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì thực hiện): Hợp phần triển khai nhiều hoạt động, nổi bật là thí điểm Chương trình thỏa thuận tự nguyện về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (Chương trình VAS). Chương trình VAS thí điểm bước đầu đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực, đã xác định một số dự án ở một số cơ cở công nghiệp có khả năng đầu tư để nâng cao hiệu quả năng lượng trong năm 2025.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đan Mạch, dự án đã hoàn thành một số báo cáo kỹ thuật như Cẩm nang công nghệ về tiết kiệm năng lượng, Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo phân tích kinh tế, kỹ thuật phục vụ xây dựng báo cáo nghiên cứu dự án tiền khả thi, dự án khả thi và các hướng dẫn xây dựng hồ sơ tiếp cận các nguồn tài chính cho dự án tiết kiệm năng lượng. Việc nghiên cứu, đề xuất mô hình Trung tâm xuất sắc về Hiệu quả năng lượng (CoE) đã bước đầu thực hiện để đề xuất, kiến nghị áp dụng và chuyển giao mô hình này cho phía Việt Nam trong năm 2025.
Ông Tăng Thế Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Cũng trong khuôn khổ phiên họp, Ban Chỉ đạo Chương trình đã thảo luận kế hoạch và giải pháp triển khai cho Chương trình DEPP3 trong thời gian còn lại năm 2025-2026 đảm bảo chất lượng, hiệu quả và một số định hướng lớn trong việc đề xuất, xây dựng chương trình hợp tác trong thời gian tới. Hai bên đã tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ để đạt được các mục tiêu của Chương trình.
Chương trình DEPP3 là nền tảng quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về chuyển đổi xanh và bền vững, bao gồm cả cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững là chủ dự án. Chương trình hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp, với các Hợp phần tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn, Tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và Phát triển carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệp.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hop-ban-chi-dao-chuong-trinh-hop-tac-doi-tac-nang-luong-viet-nam-dan-mach-369724.html