Họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia

Họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
một ngày trướcBài gốc
Các điểm cầu tỉnh, thành phố dự phiên họp.
Dự họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PTDS tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo PTDS tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên.
Theo báo cáo tại phiên họp, trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, cả nước đã xảy ra 10.225 vụ tai nạn, sự cố, thiên tai, với quy mô và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong đó có 13 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 278 trận dông lốc, sét, mưa đá; 472 trận động đất; nhiều đợt rét hại, nắng nóng, gió mạnh trên biển. Hậu quả làm 1.389 người chết, 398 người mất tích, 2.861 người bị thương; gây thiệt hại lớn về tài sản, môi trường, nhà cửa, hoa màu, phương tiện và hạ tầng.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ứng phó. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, từng bước chuyển từ bị động sang chủ động, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, ổn định phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân về PTDS ngày càng được nâng cao. Hệ thống tổ chức chỉ huy, điều hành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn, lực lượng chuyên trách được củng cố theo hướng chuyên môn hóa; công tác huấn luyện, diễn tập có nhiều chuyển biến tích cực, sát thực tế; trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn được quan tâm đầu tư; việc phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, tạo sức mạnh tổng hợp trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp; công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về PTDS tiếp tục được đẩy mạnh đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý, hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar đã thể hiện tinh thần nhân đạo, trách nhiệm quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân nước bạn và cộng đồng quốc tế.
Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hồng Vũ tham gia xử lý sự cố tràn bờ bao khu vực Cống Cù Là.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích rõ những tồn tại, nguyên nhân; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo PTDS các cấp trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân, gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu tại Quảng Ninh và trong cơn bão số 3 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trong thời gian qua.
Đồng chí nhấn mạnh, trước diễn biến thiên tai có nhiều khốc liệt, không theo quy luật thì công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực chỉ đạo, điều hành; củng cố hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với từng địa bàn, từng loại hình rủi ro. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó với thiên tai; đồng thời nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo sớm, ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tham mưu chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; phân cấp, phân định trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả) và chủ động từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Lấy người dân làm trung tâm, mỗi xã, phường là một pháo đài trong ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Các lực lượng quân đội, công an phát huy vai trò chủ công, sẵn sàng phương tiện, nhân lực hỗ trợ các địa phương tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia.
Trịnh Mạnh Cường
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/hop-ban-chi-dao-phong-thu-dan-su-quoc-gia-3182972.html