Cầu Đại Ngãi 2 nối huyện Cù Lao Dung giữa sông Hậu với đất liền phía Sóc Trăng chính thức được hợp long - Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN.
Mới đây, tại hai tỉnh Sóc Trăng và Long An, hai lễ hợp long dự án cầu đã được tổ chức đánh dấu bước tiến trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối vùng.
Theo đó, tại tỉnh Sóc Trăng, Ban quản lý Dự án 85 (chủ đầu tư), Bộ Giao thông Vận tải đã làm lễ hợp long cầu Đại Ngãi 2, nối huyện Cù Lao Dung, giữa sông Hậu với đất liền phía Sóc Trăng.
Dự án cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 15 km, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 và số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1703/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023.
Thông tin về dự án, Ban Quản lý Dự án 85 cho biết dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng gồm 2 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu số 11-XL (Thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 2 và phần tuyến) được khởi công xây dựng từ tháng 10/2023 và gói thầu số 15-XL (cầu Đại Ngãi 1) đã được triển khai xây dựng từ tháng 12/2024.
Theo Ban quản lý Dự án 85, đến nay hạng mục công trình chính cầu Đại Ngãi 2 đã hoàn thành trên 70% khối lượng và được hợp long cầu đúc hẫng Đại Ngãi 2 ngay trong những ngày đầu năm 2025 (vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch).
Cầu Đại Ngãi nằm trong quy hoạch trục dọc ven biển kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các cảng biển và khu kinh tế ven biển. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng không chỉ phục vụ việc phát triển kinh tế, thực hiện thành công chiến lược biển mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.
Sau khi hoàn thành, dự án cầu Đại Ngãi sẽ nối thông toàn tuyến Quốc Lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP.HCM. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo, giảm tải cho Quốc lộ 1A, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã ghi nhận và biểu dương tinh thần, trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư và các nhà thầu thi công. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu thi công, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân tiếp tục vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để có thể cơ bản thông xe cầu Đại Ngãi 2 nối đất liền Sóc Trăng với huyện Cù Lao Dung giữa dòng sông Hậu đúng vào dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4/2025 với chất lượng cao nhất.
Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: Báo Long An.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An mới đây cũng đã tổ chức lễ hợp long cầu Vàm Cỏ Đông và khởi công xây dựng Đường tỉnh 822B (ĐT.822B). Đường tỉnh 822B là một đoạn tuyến thuộc trục động lực Đức Hòa theo định hướng quy hoạch tỉnh Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023, kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức (Long An) với TP.HCM
Về gói thầu thi công xây dựng cầu Vàm Cỏ Đông có giá trị hơn 322 tỷ đồng, tổng chiều dài gần 536 m, nhịp chính bằng bê tông cốt thép thi công theo phương án đúc hẫng cân bằng. Gói thầu đã được thực hiện từ tháng 4/2023, trải qua hơn 20 tháng thi công, cây cầu đã chính thức được hợp long nối liền đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông và dự kiến hoàn thành toàn bộ phần cầu chính trong dịp 30/4/2025.
Còn đối với gói thầu thi công xây dựng đường ĐT822B đoạn từ cầu Vàm Cỏ Đông đến ĐT838, phía huyện Đức Huệ có giá trị gần 125 tỷ đồng sẽ được thực hiện từ tháng 01/2025 – tháng 7/2026.
Việc hợp long của hai dự án cầu Đại Ngãi 2 và cầu Vàm Cỏ Đông góp phần thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng, đặc biệt là trong bối cảnh kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các khu vực khác trên cả nước. Từ đó, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội cùng vùng, địa phương.
Thanh Thủy