Thiếu tướng Lê Xã Hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân Khu 9 và đồng chí Châu Văn Hòa (thứ hai, từ trái sang), Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự họp mặt.
Tham dự lễ có các đồng chí: Thiếu tướng Lê Xã Hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân Khu 9; Nguyễn Thị Khá, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nguyễn Văn Trẩm, nguyên Đại đội trưởng, Đại đội 58, Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân Khu 9; Châu Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bích Phượng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Càng Long; Nguyễn Văn Triều, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Càng Long; Trần Minh Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Càng Long; Đinh Thanh Quân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Càng Long; các đồng chí cán bộ hưu trí; cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 306; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các phòng, ban, ngành huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã An Trường; cán bộ hưu trí trên địa bàn xã An Trường qua các thời kỳ…
Quang cảnh buổi họp mặt.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên đánh dấu mốc son quan trọng trong đời sống chính trị của Nhân dân xã An Trường, kết thúc thời kỳ đấu tranh tự phát, chuyển sang đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng xã An Trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Trẩm, nguyên Đại đội trưởng, Đại đội 58, Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân Khu 9 phát biểu ôn lại lịch sử đấu tranh giải phóng xã An Trường của Tiểu đoàn 306.
Từ năm 1939 - 1945, Chi bộ Đảng An Trường lãnh đạo Nhân dân làm Cách mạng Tháng 8, thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 đưa Nhân dân xã An Trường bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do, từ nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh, làm chủ quê hương, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng được nhân lên gấp bội.
Thiếu tướng Lê Xã Hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân Khu 9 phát biểu ôn lại lịch sử đấu tranh giải phóng xã An Trường.
Từ năm 1945 - 1954, Chi bộ An Trường lãnh đạo Nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng, đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, dồn sức kháng chiến, kiến quốc, kiên cường chống địch chiếm đóng, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp.
Từ năm 1954 - 1975, Chi bộ xã An Trường lãnh đạo Nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai, góp phần giải phóng quê hương thống nhất đất nước. Trong đó, nổi bật là đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuẩn bị phát triển lực lượng cách mạng tham gia đồng khởi năm 1960, phá rả ấp chiến lược và kiên cường đấu tranh cách mạng.
Đại biểu tham dự buổi họp mặt.
Năm 1974, quán triệt nghị quyết của cấp trên, với tinh thần quyết tâm giải phóng xã nhà, Đảng bộ xã An Trường khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, xây dựng lực lượng du kích xã, ấp, sẵn sàng kết hợp với bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 306 khi có lệnh.
10 giờ đêm 14/12/1974, bộ đội chủ lực bắt đầu nổ súng tấn công căn cứ Tiểu đoàn 471 của địch, địch chống trả quyết liệt, bỏ căn cứ, chạy xuống Ấp 7, trụ ở trường học, ta tiếp tục bám theo dùng hỏa lực tấn công, khoảng hơn 30 phút sau, địch hoảng loạn chạy sang 02 cánh đồng lúa bên giồng, đến 05 giờ sáng ngày 15/12/1974 bộ đội chủ lực tổ chức đánh chiếm toàn bộ các căn cứ của địch, địch bỏ chạy. Sau khi thu dọn chiến trường, lãnh đạo đơn vị 306 đã bàn giao An Trường lại cho địa phương tiếp quản.
Ngày 15/12/1974, xã An Trường hoàn toàn giải phóng, tỉnh chọn An Trường làm điểm đại hội thanh niên các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần để phát động thanh niên tòng quân, chuẩn bị tổng tiến công 1975, với trên 1.500 thanh niên tham dự, Đại hội thanh niên thắng lợi. Ngày 15/12/1974, trở thành ngày trọng đại, được ghi vào trang sử vẻ vang của quê hương An Trường anh hùng và được Nhân dân mãi mãi khắc cốt, ghi tâm.
Đồng chí Nguyễn Thị Út Mến, Bí thư Đảng ủy xã An Trường, huyện Càng Long phát biểu tại buổi họp mặt.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Út Mến, Bí thư Đảng ủy xã An Trường cho biết: trải qua 02 cuộc kháng chiến, xã An Trường có 169 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 01 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 700 liệt sĩ, 230 thương binh, bệnh binh, 115 người bị nhiễm chất độc hóa học.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Trường đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Chi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Trường hạ quyết tâm tại buổi họp mặt.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong thời gian tới, xây dựng quê hương xã An Trường ngày càng văn minh, giàu đẹp, xây dựng đời sống của Nhân dân An Trường ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Bích Phượng nhấn mạnh: 50 năm đã đi qua, những chiến công vang dội của những năm tháng hào hùng trong 02 cuộc kháng chiến và những thành tựu của thời kỳ đổi mới mãi mãi là những bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân xã An Trường.
Thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Càng Long, đồng chí Trần Thị Bích Phượng biểu dương thành tích Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Trường đạt được trong những năm qua.
Đồng chí Trần Thị Bích Phượng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Càng Long phát biểu chỉ đạo.
Đề nghị thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên, hội viên, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh hiểu được nội dung, ý nghĩa lịch sử hình thành Đảng bộ xã An Trường, kỷ niệm ngày giải phóng xã An Trường (15/12/1974). Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử của Đảng bộ xã để thế hệ trẻ nâng cao ý thức, giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử của địa phương.
Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, phát huy tốt truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, xem đây là trách nhiệm, là niềm vinh dự, sự tri ân công lao to lớn đối với các anh hùng liệt sĩ và những người có công đóng góp cho sự nghiệp giải phóng xã An Trường...
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp mặt.
Tin, ảnh: KIM LOAN