Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: Báo Quảng Bình)
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, tổ chức Đảng các cấp, Quảng Bình đã xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới mang tên Quảng Trị nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Đề án, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích gần 12.700km2, dân số 1.860.967 người; trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).
Về địa lý, tỉnh tiếp tục nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, có vị trí chiến lược khi giáp Hà Tĩnh ở phía Bắc, thành phố Huế ở phía Nam, Lào ở phía Tây và Biển Đông ở phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, kinh tế biển, logistics, thương mại quốc tế và mở rộng hành lang kinh tế Đông-Tây.
Một điểm nhấn quan trọng của Đề án là việc sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính cấp xã, từ 264 đơn vị hiện nay xuống còn 78 đơn vị; trong đó, Quảng Bình có 41 đơn vị (5 phường, 36 xã), Quảng Trị có 37 đơn vị (3 phường, 33 xã và 1 đặc khu đảo Cồn Cỏ).
Việc sắp xếp dựa trên nguyên tắc khoa học, phù hợp với dân số, diện tích và đặc thù vùng miền; đồng thời chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của địa phương.
Đáng chú ý, Đề án xác định không tăng tổng biên chế sau hợp nhất. Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cơ cấu lại và tinh giản hợp lý trong 5 năm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, 100% biên chế công chức cấp huyện sẽ được điều chuyển xuống cấp xã, phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: Báo Quảng Bình)
Về tổ chức bộ máy, hệ thống chính quyền tỉnh mới bao gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh với 14 sở, ban, ngành chuyên môn, 9 đơn vị sự nghiệp công lập, cùng 147 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ có 4 ban chuyên trách, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội và Ban Dân tộc.
Ủy ban Nhân dân tỉnh có chủ tịch, các phó chủ tịch và hệ thống 14 sở chuyên ngành.
Hai đơn vị hành chính đặc thù là Ban Quản lý Khu kinh tế và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng sẽ được tái cấu trúc phù hợp với mô hình mới.
Dự kiến đến ngày 1/7, toàn bộ 18 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay (8 đơn vị của Quảng Bình, 10 của Quảng Trị) sẽ chấm dứt hoạt động để chuyển sang mô hình tổ chức mới.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết chính thức, tỉnh Quảng Trị mới sẽ triển khai lộ trình tổ chức lại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức đoàn thể theo quy định.
Hiện nay, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và các cơ quan liên quan của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang khẩn trương hoàn thiện các bước chuẩn bị, nhằm đảm bảo quá trình sắp xếp được thực hiện suôn sẻ, hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân, doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ, bố trí cán bộ sau hợp nhất cũng đang được hai tỉnh xây dựng cụ thể, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, yêu cầu đặt ra.
Trên cơ sở đề án hợp nhất, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Hội đồng Nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng quy định./.
(TTXVN/Vietnam+)