Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề: "Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững".
Những dấu ấn về hợp tác thương mại song phương Việt - Mỹ được nhắc đến tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững" do Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Đại học Troy (Hoa Kỳ) tổ chức hôm 15/11/2024.
Những năm qua, Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, đồng thời cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực ASEAN.
Theo PGS, TS. Đào Thanh Trường, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội :"Gần 30 năm qua, thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, bền vững".
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. Trao đổi thương mại đã tăng 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 124 tỷ USD vào cuối năm 2022.
10 tháng năm 2024 thương mại 2 chiều tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, đạt 110,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 98,4 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ Mỹ 12,27 tỷ , tăng 8,2%.
Bắt đầu từ việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai nước đã mở rộng hợp tác thông qua Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2000, tiếp theo là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư năm 2007.
Năm 2013, việc ký kết Quan hệ đối tác toàn diện đã đánh dấu kỷ nguyên hợp tác mới. Đến năm 2023, 2 nước thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, biểu tượng cho cam kết chung vì một tương lai thịnh vượng và bền vững.
Với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, thực hiện các trụ cột hợp tác bao phủ nhiều lĩnh vực, là nền tảng để thương mại song phương sớm cán mốc 200 tỷ USD.
Về đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.340 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11,8 tỷ USD.
Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như: Boeing, SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy... đang ngày càng tăng cường sự hiện diện và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khẳng định niềm tin vào tiềm năng của môi trường đầu tư Việt Nam.
Ngược lại, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, như FPT và VinFast, cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Mỹ, tạo ra những lợi ích kinh tế đan xen chặt chẽ giữa hai nước.
Nhận định về tương lai hợp tác 2 nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho rằng, có nhiều thuận lợi để quan hệ hợp tác phát triển hơn nữa, đó là sự hỗ trợ tích cực trong ngoại giao, đây là nền tảng cho sự hợp tác lâu dài của hai quốc gia. Việt Nam đang tích cực tạo môi trường kinh doanh tin cậy và mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, thể hiện họ tin tưởng vào sự ổn định của môi trường đầu tư và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên độc lập. Nước Mỹ cũng coi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn trong số các nước châu Á. Thặng dư thương mại đã có sự tăng trưởng, cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới và thị trường Mỹ.
"Vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, điện tử, ô tô, năng lượng sạch, năng lượng xanh, dịch vụ tài chính, đầu tư, hạ tầng, kinh tế số và an ninh mạng… Đây là những lĩnh vực có thể đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia vào thị trường Mỹ”, ông Tuấn nói.
Về thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam được lưu ý về cân bằng thương mại để đảm bảo hợp tác bền vững với Mỹ. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, dễ bị tổn thương trong một số tình huống, nhất là với các phản ứng chính sách từ Mỹ.
Thế Hoàng