Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương
7 giờ trướcBài gốc
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tới Malaysia từ 21-23/11/2024, được sự phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã cùng Cơ quan Hợp tác Halal, thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia ký Ý định thư về hợp tác Halal.
Thông tin về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ý định thư này, Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, Ý định thư sẽ là văn kiện quan trọng đóng góp cho kết quả chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và là định hướng để triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong lĩnh vực này.
Tại Malaysia, ngày 22/11, được sự phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã cùng Cơ quan Hợp tác Halal, thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia ký Ý định thư về hợp tác Halal. Ảnh: Mai Anh
Ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia - cũng nhìn nhận, Ý định thư vừa ký kết có ý nghĩa quan trọng, qua đó hỗ trợ việc công nhận mục tiêu chung của cả hai bên trong việc đào tạo, tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo và hội nghị chuyên đề về sản phẩm Halal tại Việt Nam và Malaysia. Hoạt động này không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết của các doanh nghiệp về xuất khẩu Halal sang thị trường Malaysia mà còn cả thị trường các nước Hồi giáo nói chung.
"Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Malaysia có chứng chỉ Halal cho khoảng 3.000 sản phẩm. Thỏa thuận này sẽ giúp giải quyết một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Malaysia là về chứng chỉ Halal" - Tham tán Lê Phú Cường thông tin và nhấn mạnh, hiện nay, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực năng lượng và sản phẩm Halal còn rất lớn, song để sự hợp tác này trở nên thực chất và hiệu quả hơn, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm của nhau, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Ý định thư sẽ giúp giải quyết một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Malaysia là về chứng chỉ Halal. Ảnh: Mai Anh
Đáng chú ý, hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia luôn được các lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh trong các buổi làm việc và tiếp xúc song phương. Trước đó, trong các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Muhyiddin Yassin tới Việt Nam vào tháng 3/2021 và của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob vào tháng 3/2022, lãnh đạo hai nước đã tập trung thảo luận về mở rộng hợp tác trong phát triển lĩnh vực Halal, logistics, tài chính và ngân hàng Hồi giáo, du lịch và dịch vụ khách sạn thân thiện với người Hồi giáo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đồ uống Halal.
Với ngành Công Thương, gần đây nhất, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp về thương mại Việt Nam - Malaysia diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7/2024 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cùng khẳng định, Halal là lĩnh vực hợp tác tiềm năng, có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp tăng cường kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Malaysia mà còn giúp doanh nghiệp hai bên khai thác cơ hội thúc đẩy thương mại với các thị trường khác.
Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Zafrul Abdul Aziz cho rằng, hợp tác công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Malaysia có thể giúp hàng Việt tiếp cận được gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn cầu, chiếm hơn 24% dân số thế giới. Và khẳng định Malaysia sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị Halal. Cụ thể là sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, là những sản phẩm phải được mở rộng kiểm soát từ nguồn gốc, xuất xứ đến các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến và đến cả tay người tiêu dùng.
Đánh giá về tiềm năng và lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai cho biết, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, gần các thị trường Hồi giáo lớn như Malaysia, Indonesia và Singapore, Việt Nam có nhiều cơ hội cho thương mại và xuất khẩu các mặt hàng Halal.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng và phát triển với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, là nền tảng vững chắc cho ngành thực phẩm Halal. Nếu có được quy trình chứng nhận, các mặt hàng của Việt Nam sẽ phù hợp với thị trường Halal.
Thêm vào đó, ngành du lịch cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam, trở thành điểm đến được nhiều du khách Hồi giáo ưa chuộng. Thông qua việc phát triển hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm du lịch được chứng nhận Halal, Việt Nam có thể thu hút nhiều du khách hơn nữa từ thế giới Hồi giáo, thúc đẩy đáng kể doanh thu từ du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong ngành công nghiệp Halal không chỉ là tận dụng thế mạnh của nhau mà còn tạo ra mối quan hệ cộng sinh xuyên biên giới. Trong đó, tăng cường tiếp cận thị trường, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy đổi mới về Halal là những bước khởi đầu. Malaysia hỗ trợ đào tạo cho các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam về quy trình sản xuất và cấp chứng nhận Halal.
Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 11 trên thế giới. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia trong ASEAN, trong khi Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN (sau Singapore) và đứng thứ 11/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2025 sẽ đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (8/2015-8/2025) giữa hai nước. Hai nước đang không ngừng hướng đến hợp tác toàn diện và gắn kết hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, an ninh - quốc phòng đến kinh tế. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp Halal được xác định là lĩnh vực ưu tiên với kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội vàng cho cả hai bên.
Khánh An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hop-tac-halal-giua-viet-nam-malaysia-dau-moc-moi-tao-dot-pha-thuong-mai-song-phuong-360390.html