Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa TP. Huế và chính quyền tỉnh Nara
Ưu tiên yếu tố “di sản - văn hóa - con người”
Một trong những nền tảng quan trọng để Huế và Nara tiến tới hợp tác toàn diện chính là sự tương đồng về tầm nhìn phát triển: Cả hai đều hướng đến việc sử dụng di sản như một trụ cột phát triển bền vững.
Trong các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai địa phương, yếu tố “di sản - văn hóa - con người” luôn được đặt ở vị trí ưu tiên, bên cạnh các lĩnh vực đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục và ứng phó biến đổi khí hậu. “Chúng tôi xem mối quan hệ với tỉnh Nara không chỉ là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, mà còn là cơ chế đồng hành để cùng nhau giải các bài toán phát triển trong một thế giới nhiều biến động. Các địa phương, nhất là những thành phố có điểm tương đồng về văn hóa, cần chủ động kết nối, phối hợp thực chất để mở rộng nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường nội lực trong bối cảnh ngân sách và đầu tư công ngày càng chịu áp lực”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Ông Yamashita Makoto, Tỉnh trưởng tỉnh Nara cho rằng: Nara mong muốn hợp tác với Huế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cả hai địa phương đều sở hữu những di sản đặc sắc, được UNESCO công nhận và đều phải đối mặt với thách thức là làm sao để di sản sống cùng đời sống hiện đại mà không bị mai một. Đây là bài toán không ai có thể tự giải một mình.
Đồng thuận trong nhận thức ấy, bản ghi nhớ giữa Huế và Nara không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, mà còn hướng đến việc triển khai các dự án giáo dục di sản, phát triển học liệu số song ngữ Việt - Nhật, xây dựng thư viện học tập trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và số hóa tư liệu. Đây chính là cơ hội quan trọng để giới trẻ hai nước cùng học hỏi và cùng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong một không gian hợp tác mở.
Ngoài lĩnh vực văn hóa - giáo dục, mô hình hợp tác Huế - Nara còn gợi mở một cách tiếp cận mới trong chính sách lao động - việc làm. Theo thống kê mới nhất, thị trường Nhật Bản đang chiếm trên 80% tổng số lao động xuất khẩu của thành phố. Nhiều ngành nghề có nhu cầu lớn như điều dưỡng, công nghiệp cơ khí, chế biến thực phẩm… hoàn toàn có thể trở thành lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai địa phương.
TP. Huế đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên sâu về lao động kỹ năng cao, đồng thời khuyến khích đào tạo tiếng Nhật tại các trường trung cấp, cao đẳng, hướng đến hình thành nguồn nhân lực có khả năng làm việc ngay tại các doanh nghiệp Nhật Bản, hoặc trở về khởi nghiệp sau thời gian làm việc tại xứ sở hoa anh đào.
Gìn giữ cội nguồn để bước vào tương lai
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mối quan hệ hợp tác giữa Huế và Nara được xem là tín hiệu tích cực, mở ra các cơ hội mới trong chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh Huế đang phát triển 6 khu công nghiệp và khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo hướng sinh thái, công nghệ cao và thân thiện môi trường.
Một điểm sáng trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản tại Huế chính là Trung tâm thương mại AEON MALL - dự án có tổng vốn gần 170 triệu USD, đi vào hoạt động từ tháng 9/2024, mang lại hiệu ứng lan tỏa lớn về tiêu dùng, dịch vụ và cơ hội việc làm. Đây cũng là minh chứng cho chính sách đồng hành và cải cách mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, việc Huế lọt vào top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước trong năm 2024 là một “tín hiệu tích cực từ thị trường”. Nó chứng minh Huế không chỉ có văn hóa và di sản, mà còn có tiềm năng tăng trưởng thực sự nếu có được sự đồng hành của các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản và tỉnh Nara.
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Văn Phúc, điều đặc biệt trong quan hệ Huế - Nara là cả hai đều khẳng định rõ vai trò chủ động của chính quyền địa phương trong triển khai chính sách ngoại giao song phương, thông qua các kênh chính thức và ngoại giao nhân dân. Hai bên chủ động tìm tiếng nói chung, khởi động sáng kiến chung và xúc tiến các chương trình cụ thể. Chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối linh hoạt và hiệu quả trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Có thể khẳng định, mối quan hệ giữa Huế và Nara không phải là sản phẩm của một văn kiện ký kết, mà là sự cộng hưởng giữa hai nền văn hóa, hai tầm nhìn phát triển, hai cộng đồng đang chung khát vọng gìn giữ cội nguồn để bước vào tương lai.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH