Hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-Việt Nam phát triển mạnh mẽ

Hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-Việt Nam phát triển mạnh mẽ
4 giờ trướcBài gốc
Theo trang mạng tin tức thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc (comnews.cn), trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc - Việt Nam liên tục đạt đến tầm cao mới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc được trang web này dẫn lại cho thấy, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vượt mốc 260 tỷ USD. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Còn theo dự báo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại của cả nước.
Trong tương lai, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chung tay khai thác tiềm năng hợp tác. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, cùng với việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 và nâng cấp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Trung Quốc và Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa việc tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn.
*Phát triển kinh tế thương mại đạt nhiều thành quả quan trọng
Bài báo cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam là đối tác hợp tác kinh tế - thương mại rất mật thiết. Những năm gần đây, thương mại song phương Trung - Việt phát triển nhanh chóng, hợp tác đầu tư đạt nhiều hiệu quả rõ rệt.
Về thương mại song phương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm cơ điện, máy móc thiết bị, vải, sợi dệt và các nguyên liệu, phụ kiện khác. Các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam chủ yếu là tài nguyên khoáng sản và nông sản. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 260,65 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 161,89 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 98,76 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Ngày càng có nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng của đất nước tỷ dân này ưa chuộng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong thời gian từ tháng 1-11/2024, xuất khẩu rau quả và thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc lần lượt đạt 4,1 tỷ USD và 1,4 tỷ USD, tăng 28,7% và 23,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Sầu riêng Việt Nam là một trong những loại trái cây được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2022, xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc đã tăng đáng kể. Khoảng cách vận chuyển sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc tương đối ngắn và chi phí cũng tương đối thấp, giúp người tiêu dùng Trung Quốc có nhiều sự lựa chọn và được hưởng mức giá tốt. Đồng thời, thu nhập của các doanh nghiệp Việt Nam liên quan và các vùng sản xuất sầu riêng cũng tăng đáng kể, mang lại lợi ích cho hàng trăm nghìn nông dân trồng loại cây ăn quả này. Thống kê cho thấy, từ tháng 1-10/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 692.500 tấn sầu riêng tươi từ Việt Nam, với giá trị nhập khẩu là 19,538 tỷ NDT (khoảng 2,7 tỷ USD).
Xét về góc độ hợp tác đầu tư, bài báo cho biết, Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. Từ tháng 1-8/2024, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 1,97 tỷ USD vào Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam năm 2023 là 4,47 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2023, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam là 27,818 tỷ USD. Trong những năm gần đây, tuyến đường sắt trên cao số 2 tại Hà Nội Việt Nam do các công ty Trung Quốc xây dựng đã mang đến trải nghiệm đi lại thuận tiện cho người dân địa phương. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào một số dự án điện Mặt trời và điện gió, trở thành hình mẫu cho hợp tác kinh tế xanh giữa hai bên.
Đáng chú ý, tại kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2024, hai bên đã ký kết Hiệp định liên chính phủ về dự án hợp tác đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới. Được biết, thỏa thuận xác định Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong chuyến thị sát dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, rằng dự án đường sắt này dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 và sẽ bảo đảm kết nối thông suốt với đường sắt Trung Quốc.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
*Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại to lớn
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam có lợi thế riêng về phát triển kinh tế, có tính bổ sung mạnh mẽ, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại to lớn, triển vọng rộng mở.
Ông Viên Ba (Yuan Bo), Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á, Viện nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Trung Quốc và Việt Nam kiên trì khái niệm phát triển tự do và cởi mở, tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại tự do chất lượng cao, tạo môi trường phát triển tốt cho sự phát triển nhanh chóng của thương mại và đầu tư song phương.
Trong tương lai, với việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN 3.0 và nâng cấp RCEP, Trung Quốc và Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa việc tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đồng thời đạt được sự đồng thuận trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh và kết nối chuỗi cung ứng. Dự kiến mức độ “kết nối mềm” giữa hai nước về hàng hóa, yếu tố, thị trường, quy tắc và tiêu chuẩn sẽ được cải thiện hơn nữa trong tương lai. Đồng thời, khi việc xây dựng các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới đi vào làn đường nhanh, cũng như khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung Quốc-Việt Nam, cửa khẩu thông minh và hải quan thông minh đang dần được thúc đẩy, thì “kết nối cứng” trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của hai nước cũng sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới. Trung Quốc và Việt Nam thúc đẩy mức độ kết nối cao hơn, mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Chuyên gia Viên Ba lấy ví dụ, trong lĩnh vực nông sản, kể từ khi RCEP có hiệu lực và đi vào thực hiện, kim ngạch thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Trung Quốc và Việt Nam nói chung có tính bổ sung cao trong lĩnh vực nông sản. Trong tương lai, hai nước sẽ tăng cường hợp tác về tiếp cận thị trường nông sản và xúc tiến thương mại. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 cũng sẽ nâng cấp các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật... Dự kiến, sự phát triển của thương mại nông sản sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân và người trồng trọt nông nghiệp của hai nước, cũng như những người làm việc trong các ngành như chế biến thực phẩm, mà còn mang lại nhiều lựa chọn hơn và giá cả ưu đãi hơn cho người tiêu dùng của hai nước.
Chuyên gia Viên Ba cho biết thêm, ngoài thương mại và đầu tư truyền thống, Trung Quốc và Việt Nam còn có tiềm năng phát triển lớn về kinh tế số và kinh tế xanh.
Nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong số các nước Đông Nam Á. Theo các báo cáo liên quan, năm 2024 nền kinh tế số duy trì mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16% và tổng giá trị hàng hóa là 36 tỷ USD. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.
Ông Viên Ba khẳng định, trong tương lai, Trung Quốc và Việt Nam có thể tăng cường phối hợp chính sách, đổi mới mô hình hợp tác, thúc đẩy phát triển tích hợp thương mại điện tử xuyên biên giới và các ngành công nghiệp truyền thống trong nước, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, du lịch trực tuyến, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo... để khai thác sâu hơn tiềm năng hợp tác của kinh tế số.
Đồng thời, Việt Nam cũng rất coi trọng phát triển kinh tế xanh và đã xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Với việc bổ sung các quy tắc và mục hợp tác có liên quan trong lĩnh vực kinh tế xanh trong Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0, Trung Quốc và Việt Nam có không gian và triển vọng hợp tác rộng rãi trong các lĩnh vực điện sạch, ô tô năng lượng mới, quản trị môi trường, chuyển đổi xanh, tài chính xanh...
Công Tuyên (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/hop-tac-kinh-te-thuong-mai-trung-quoc-viet-nam-phat-trien-manh-me/362151.html