Hợp tác Quốc hội góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt Nam-Armenia

Hợp tác Quốc hội góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt Nam-Armenia
một ngày trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Armenia Alen Simonyan chụp ảnh chung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trong chuyến công tác nước ngoài từ ngày 2 đến 8/4/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.
Đây là chuyến thăm chính thức Armenia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Armenia phát triển tốt đẹp và góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Hơn 3 thập kỷ quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp
Trong lịch sử, Cộng hòa Armenia là nước đã dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có hoạt động hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn cán bộ khoa học kỹ thuật.
Đây chính là nền tảng cơ bản, quan trọng của tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam-Armenia.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia Đặng Minh Khôi, dù hai nước Việt Nam và Armenia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 14/7/1992, song thực tế nhìn ngược lại chiều dài lịch sử thì Armenia là nước Cộng hòa trong Liên bang Xô Viết.
Ngày 30/1/1950, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên bang Xô Viết, trong đó có cả Armenia. Như vậy có thể nói, quan hệ của Việt Nam với Armenia đã trải dài suốt 75 năm.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Armenia đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam vào tháng 8/2013, trong khi Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga hiện đang kiêm nhiệm Armenia.
Trong chặng đường hơn 30 năm qua kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Armenia đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập sâu rộng với thế giới. Quan hệ giữa Việt Nam và Armenia không ngừng phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương.
Armenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Trong nhiều năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được vun đắp thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.
Đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan (tháng 6/2012); Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường thăm Armenia (tháng 10/2015); Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thăm chính thức Việt Nam (tháng 7/2019); Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia, Trưởng nhóm hữu nghị Armenia-Việt Nam Vahe Enfiajyan thăm Việt Nam (tháng 11/2019); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp (ngày 5/10/2024); Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2024)…
Việt Nam và Armenia có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, đã họp khóa đầu tiên vào tháng 3/2017 tại Hà Nội.
Hai bên đang chuẩn bị tổ chức Khóa họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Armenia về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, dự kiến diễn ra tại Armenia.
Trên bình diện đa phương, hai nước luôn có sự trao đổi chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, khuôn khổ đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ.
Hợp tác kinh tế-thương mại còn nhiều tiềm năng
Hai nước đã ký kết một số Hiệp định, thỏa thuận bao gồm Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại (1992); Hiệp định hợp tác văn hóa và khoa học-kỹ thuật (1992); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1992); Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học - kỹ thuật (1992); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (1992); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ (2012); Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2015-2018 (2015); Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học (2019); Thỏa thuận hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Hãng Thông tấn Armenpress (Armenia) (2023).
Đáng chú ý, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia) vào ngày 29/5/2015 tại Kazakhstan.
Hiệp định có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Trên cơ sở Hiệp định FTA Việt Nam-EAEU, quan hệ kinh tế-thương mại song phương có nhiều bước phát triển tích cực.
Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh, từ mức 1,5 triệu USD năm 2019 lên 342 triệu USD năm 2023; gần 500 triệu USD năm 2024.
Sản xuất linh kiện điện tử. (Nguồn: TTXVN)
Armenia có một số dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam như: dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Công ty trách nhiệm hữu hạn CCI Việt Nam), vốn đăng ký 12,9 triệu USD tại Khu công nghiệp Chu Lai, Quảng Nam và dự án trong lĩnh vực nghiên cứu trị giá 0,01 triệu USD tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia Đặng Minh Khôi, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Armenia còn khiêm tốn, chưa khai thác hết các tiềm năng.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, cũng như lĩnh vực dệt may, các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Ngoài ra, lĩnh vực du lịch cũng sẽ được hai bên chú trọng, bởi Armenia có phong cảnh rất đẹp, có nhiều địa điểm lý tưởng để thu hút khách du lịch Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam là đất nước tươi đẹp, có bờ biển và khu nghỉ dưỡng đẹp, du khách của hai nước rất mong muốn tới thăm lẫn nhau.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận định các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với Armenia về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau, vì vậy Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử… sang Armenia, và qua Armenia để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông-Tây và Bắc-Nam.
Hai bên cũng có thế mạnh để tăng cường hợp tác về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực triển vọng khác như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới.
Hội Hữu nghị Việt Nam-Armenia luôn tích cực phối hợp với Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, có ý nghĩa thiết thực góp phần không nhỏ trong việc bồi đắp tình cảm và tăng cường quan hệ giữa Hội và Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam.
Hội làm cầu nối phát triển hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân hai nước thông qua các hoạt động giao lưu hữu nghị kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Quốc khánh hai nước; trao đổi các đoàn công tác giữa hai nước; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp, giao lưu văn hóa tại các địa phương.
Đáng chú ý, kể từ đầu những năm 1960 đến đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, đã có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Armenia. Nhiều người trong số đó hiện là thành viên của Hội Hữu nghị Việt Nam-Armenia và đóng góp tích cực vào việc củng cố tình hữu nghị giữa hai nước. Số công dân Việt Nam sinh sống, học tập tại Armenia hiện có khoảng 20-30 người.
Thúc đẩy hợp tác Quốc hội Việt Nam-Armenia
Trong hợp tác trên kênh nghị viện, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Armenia luôn duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp.
Quốc hội Armenia đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Armemia-Việt Nam, trong khi Quốc hội Việt Nam cũng đang hướng tới sớm thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Armemia nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa các nghị sỹ của hai nước.
Kể từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Armenia Alen Simonyan (tháng 11/2024), hợp tác giữa Quốc hội hai nước ngày càng được thắt chặt.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Armenia sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; thể hiện sự coi trọng của Armenia đối với quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả cơ chế, thỏa thuận hợp tác hiện có, góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; đẩy mạnh triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá đối với hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Hai bên nhất trí xem xét hướng tới ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tạo khung pháp lý để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện, góp phần xây dựng tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam-Armenia.
Tiếp nối những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước nói chung và giữa Quốc hội hai nước nói riêng, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là dấu mốc quan trọng nhằm duy trì, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống trước đây và tìm những cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, chuyến thăm mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống với Armenia và mong muốn cùng Armenia củng cố tin cậy chính trị, tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ với hai nước lên tầm cao mới.
Còn theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, trong khuôn khổ các chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội đàm chính thức với Chủ tịch Quốc hội Armenia, trao đổi, tăng cường hợp tác liên nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thể chế pháp luật, tăng cường hợp tác giữa nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ tập trung trao đổi về những phương châm lớn, cũng như biện pháp cụ thể để mở rộng hơn nữa hợp tác hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp trong hơn 30 năm qua, chắc chắn chuyến thăm chính thức Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam phát triển ngày càng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-quoc-hoi-gop-phan-that-chat-quan-he-huu-nghi-viet-nam-armenia-post1023991.vnp