Hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam

Hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành; các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.
Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
“Halal” là một thuật ngữ Arab có nghĩa "hợp pháp" hoặc “được phép dùng." Sản phẩm Halal là sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng. Nói một cách khác, người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào mừng các đại biểu quốc tế tới dự hội nghị. (Ảnh: QĐND)
Thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2024 có trên 2 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới, và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu được dự báo đạt 10 nghìn tỷ USD trước năm 2028.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.
Việt Nam có nhiều cơ hội để xây dựng và phát triển ngành Halal thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia, tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu dựa trên các yếu tố thuận lợi chính, bao gồm: Thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu và phát triển các ngành nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Thị trường rộng mở với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết; các chính sách, chiến lược, cơ sở pháp lý quan trọng về Halal được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy xây dựng và triển khai, nổi bật là: Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.
Đây là đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn, chiến lược, tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, qua đó, giúp Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào thị trường Halal toàn cầu.
Ngày 24/4/2024, Bộ Khoa học-Công nghệ đã công bố quyết định thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia, giúp thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cấp giấy chứng nhận Halal tại Việt Nam...
Các phiên thảo luận tại hội nghị tập trung vào hai chủ đề chính, gồm: "Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam: Tiềm năng và định hướng" và "Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam: Cơ hội và triển vọng". Đại diện các quốc gia, như: Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal và đề xuất các cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hội nghị Halal toàn quốc lần này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển ngành Halal, tận dụng lợi thế sẵn có và tăng cường hợp tác quốc tế để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước...
Phan Phương
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202410/hop-tac-quoc-te-de-day-manh-phat-trien-nganh-halal-viet-nam-2221801/