Hợp tác Việt Nam-Malaysia - 'mối quan hệ xúc tác cho sự đổi mới của ASEAN'

Hợp tác Việt Nam-Malaysia - 'mối quan hệ xúc tác cho sự đổi mới của ASEAN'
7 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ăn sáng và làm việc nhân dịp sang dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai tại Hà Nội, sáng 26/2/2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Malaysia, tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 24-28/5, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Kuala Lumpur đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, học giả Malaysia về sự tăng cường hợp tác của hai nước trong ASEAN.
Theo Giáo sư Datuk Awang Azman Awang Pawi thuộc trường Đại học Malaya, trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phân cực, Malaysia và Việt Nam - với tư cách là những thành viên tích cực và chủ động của ASEAN - cần tập trung vào bốn chiến lược cốt lõi nhằm tăng cường vai trò và sức mạnh của khu vực.
Trước hết, hai nước nên tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời cùng nhau bảo vệ nền tảng trung lập và toàn diện của ASEAN trong bối cảnh phân cực địa chính trị gia tăng.
Thứ hai, Malaysia và Việt Nam cần dẫn đầu trong các Mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ASEAN thông qua các dự án thí điểm chung và các sáng kiến tài trợ khu vực.
Thứ ba, hai bên cần tăng cường ngoại giao quốc phòng và hợp tác trong các cuộc tập trận quân sự, cũng như hỗ trợ nhân đạo để ứng phó với thảm họa và các mối đe dọa an ninh hàng hải.
Cuối cùng, Malaysia và Việt Nam nên tích cực thúc đẩy các sáng kiến lấy người dân làm trung tâm của ASEAN, thông qua các chương trình giáo dục chung, các chương trình phục hồi du lịch và các hoạt động trao đổi tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của thanh niên.
Giáo sư Datuk Awang Azman Awang Pawi thuộc trường Đại học Malaya. (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)
Giáo sư Datuk Awang Azman Awang Pawi khẳng định Malaysia và Việt Nam có thể là chất xúc tác cho sự đổi mới của ASEAN, đặc biệt khi hai nước tiếp tục liên kết các mục tiêu phát triển quốc gia với những nguyện vọng của khu vực.
Phân tích kỹ hơn về tình hình thế giới và khu vực để tìm ra hướng đi hiệu quả, thực chất cho sự hợp tác, Giáo sư Yeah Kim Leng thuộc trường Đại học Sunway cho rằng Malaysia và Việt Nam phải xem xét các khía cạnh xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường, cũng như xác định những cơ hội để tăng cường mở rộng hợp tác.
Giáo sư Yeah Kim Leng nhận định hợp tác kinh tế là lĩnh vực hiệu quả nhất trong ASEAN. Ông nhấn mạnh Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực có nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển công nghiệp, chẳng hạn như ngành sản xuất và chế tạo ôtô. Do đó, các quốc gia này có thể học hỏi lẫn nhau để nâng cấp ngành công nghiệp của mình.
Tuy nhiên, Giáo sư Yeah Kim Leng cũng lưu ý rằng trọng tâm của phát triển công nghiệp hiện nay là sản xuất tiên tiến. Để đạt được sự phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả, Việt Nam cần phải bắt kịp xu hướng này.
Điều này đồng nghĩa với việc chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, giá trị thấp sang các ngành công nghiệp phức tạp hơn, đòi hỏi công nghệ cao như máy móc và thiết bị tiên tiến.
Giáo sư Yeah Kim Leng, Đại học Sunway (Malaysia). (Ảnh: Viên Luyến/TTXVN)
Ông cho rằng sự phát triển công nghiệp hướng tới giá trị cao hơn và các ngành sử dụng nhiều công nghệ sẽ là một phần quan yếu trong quá trình phát triển của Việt Nam, tương tự như quỹ đạo phát triển của Malaysia.
Cả Malaysia và Việt Nam đều đang hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tiên tiến.
Theo Giáo sư Yeah Kim Leng, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và cả Việt Nam lẫn Malaysia đều có lợi thế trong việc tận dụng sự cởi mở của nền kinh tế toàn cầu để thu hút vốn đầu tư và mở rộng thị trường. Cả hai quốc gia nên áp dụng chiến lược định hướng xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam có một lợi thế riêng biệt so với Malaysia: Thị trường nội địa lớn và dân số trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng nhanh chóng. Việt Nam nên tận dụng yếu tố này kết hợp với việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Malaysia, với thị trường nội địa tương đối nhỏ hơn, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua thị trường khu vực.
Việt Nam và Malaysia là những đối tác ASEAN mạnh mẽ, có mối quan hệ gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào hòa bình và ổn định chung của khu vực Đông Nam Á.
Sự hợp tác này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học mà còn mở rộng sang các khía cạnh phi khoa học như nhân văn, nghệ thuật, quan hệ con người, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ.
Giáo sư Yeah Kim Leng bày tỏ sự tin tưởng rằng cả hai quốc gia đều có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt ASEAN tiến lên trong tất cả các lĩnh vực này. Đặc biệt, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay, Malaysia đang nỗ lực thúc đẩy tinh thần tự cường và sự thống nhất của ASEAN.
Mục tiêu là thu hút các nhà tài trợ tập thể và xây dựng một mặt trận thống nhất để ứng phó hiệu quả với những thách thức chung, đặc biệt là các mối đe dọa phi truyền thống như biến đổi khí hậu và thiên tai.
Việt Nam và Malaysia đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực này. Cả hai đều đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu chung là xây dựng một ASEAN thịnh vượng, hòa bình và thống nhất hơn.
Ông Collins Chong Yew Keat - chuyên gia đối ngoại và an ninh thuộc Đại học Malaya - nhấn mạnh rằng cả Malaysia và Việt Nam đều là những thành viên tích cực của ASEAN và có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc.
Sự hợp tác này trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, khoáng sản quan trọng, cho đến việc duy trì hòa bình và ổn định chung ở khu vực Đông Nam Á.
Collins Chong Yew Keat - chuyên gia đối ngoại và an ninh thuộc Đại học Malaya. (Ảnh: Viên Luyến/TTXVN)
Theo ông Collins Chong Yew Keat, những khía cạnh hợp tác chung không chỉ gói gọn trong khoa học mà còn mở rộng sang các lĩnh vực phi khoa học như nhân văn, nghệ thuật, quan hệ con người, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ.
Tất cả nhằm mục đích đóng góp cho hòa bình và ổn định cả ở cấp độ khu vực lẫn toàn cầu. Ông tin tưởng rằng cả hai quốc gia đều nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và dẫn dắt ASEAN tiến lên trong tất cả các lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong năm 2025, khi Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, quốc gia này đang nỗ lực thúc đẩy tinh thần tự cường và sự thống nhất của khối.
Điều này bao gồm việc thu hút các nhà tài trợ tập thể và xây dựng một mặt trận thống nhất để ứng phó với những thách thức chung, đặc biệt là các mối đe dọa phi truyền thống như biến đổi khí hậu và thiên tai. Malaysia đã và đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực đó.
Cả Việt Nam và Malaysia đều là những thành viên tích cực, đóng góp vào mục tiêu chung là xây dựng một ASEAN thịnh vượng hơn, hòa bình hơn và thống nhất hơn./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-viet-nam-malaysia-moi-quan-he-xuc-tac-cho-su-doi-moi-cua-asean-post1040382.vnp