Hợp tác Việt Nam - Philippines: Sẵn sàng cho một 'cú huých' thương mại mới

Hợp tác Việt Nam - Philippines: Sẵn sàng cho một 'cú huých' thương mại mới
6 giờ trướcBài gốc
Lợi thế tạo 'cú huých' thương mại mới
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines khẳng định: Việt Nam và Philippines không chỉ là thành viên Cộng đồng ASEAN mà còn là hai nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng để cùng khai thác, phát triển toàn diện và bền vững.
Theo ông Thành, cả hai quốc gia đều có độ mở kinh tế cao, dân số đông, lực lượng lao động dồi dào và trình độ phát triển khá tương đồng. Không những vậy, hai nước cùng là thành viên tích cực của các cơ chế hợp tác đa phương như Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định RCEP... Điều này tạo nền móng vững chắc để nâng tầm quan hệ kinh tế - thương mại song phương lên một bước phát triển mới.
Hiện, có gần 40 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Philippines. Ảnh: Bình An
Đặc biệt, Philippines với quy mô dân số gần 120 triệu người đang nổi lên là một thị trường nhập khẩu lớn trong khu vực. Thay vì tập trung phát triển năng lực sản xuất trong nước, quốc gia này lựa chọn mô hình nhập khẩu toàn diện: Từ lương thực, thực phẩm (như gạo, hàng tươi sống), tới vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép), thiết bị điện tử, máy móc, hàng gia dụng... Đây chính là "cơ hội vàng" để hàng hóa Việt Nam vốn có thế mạnh về chất lượng và giá cạnh tranh tiếp cận và mở rộng thị phần.
Theo thống kê, hiện có gần 40 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Philippines. Nhưng con số này được đánh giá là “mới chỉ ở vạch xuất phát”, khi dư địa còn rất lớn trong các lĩnh vực như: dược phẩm, vắc-xin, hóa chất, phân bón, hàng công nghiệp nhẹ, thiết bị điện - điện tử - điện lạnh, máy móc chế tạo, sản phẩm nông sản chế biến…
Đáng chú ý, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines - một thị trường có nhu cầu nhập khẩu lương thực ổn định và ngày càng tăng.
Không chỉ là bạn hàng quan trọng, Việt Nam còn được nhiều doanh nghiệp Philippines xem như một “mẫu hình mới nổi” để học hỏi và mở rộng hợp tác đầu tư. “Đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp hai nước tận dụng các khuôn khổ song phương và khu vực, như Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines, RCEP hay cơ chế Tiểu ban hỗn hợp thương mại song phương, nhằm tháo gỡ nút thắt kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng chảy hàng hóa, dịch vụ”, ông Thành nhấn mạnh.
Một lợi thế đặc thù khác của thị trường Philippines là lượng kiều hối hằng năm rất lớn - được đánh giá vào loại cao nhất châu Á. Lượng ngoại tệ dồi dào đã góp phần kích thích tiêu dùng nội địa, từ đó tạo áp lực tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao - điều mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng với năng lực sản xuất đang ngày một cải thiện.
Tuy nhiên, dù tổng kim ngạch thương mại song phương trong quý I/2025 đã đạt hơn 2,074 tỷ USD, nhưng mức độ hợp tác hiện nay vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng và kỳ vọng giữa hai nền kinh tế.
“Philippines có nhu cầu nhập khẩu thường niên từ 100 đến 130 tỷ USD, trong khi con số Việt Nam xuất sang thị trường này chỉ khoảng 5 tỷ USD. Trong bức tranh đó, Việt Nam cần một chiến lược bài bản hơn để trở thành đối tác cung ứng chủ lực, không chỉ về nông sản mà cả trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đầu tư” - ông Thành nêu rõ.
Nhiều tiềm năng, không ít lực cản
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, để thâm nhập và trụ vững tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với hàng loạt rào cản, cả hữu hình lẫn vô hình.
Trước hết, rào cản vô hình đến từ “tiềm thức tiêu dùng” của người dân Philippines. Dư luận phổ thông nước này từ lâu đã đặt niềm tin cao vào hàng hóa có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu, trong khi lại thiếu thiện cảm hoặc đánh giá chưa đúng mức về chất lượng sản phẩm từ Việt Nam. Đây là thách thức mềm nhưng lại dai dẳng, đòi hỏi chiến lược truyền thông bài bản và dài hơi.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng, tiềm năng và cả thách thức của thị trường Philippines - điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược “đi nhanh và đi xa” tại thị trường này. Ảnh: Hùng Quyên
Thứ hai, mặt trận cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt. Sản phẩm Việt Nam không chỉ đối đầu với hàng Trung Quốc - vốn đã chiếm ưu thế về giá mà còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan và Indonesia. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt buộc phải tái cấu trúc chiến lược, nâng cấp chất lượng và khác biệt hóa sản phẩm để giữ thị phần.
Thứ ba, chính sách xuất nhập khẩu của Philippines vẫn thiếu ổn định và còn nhiều bất định. Việc “đóng - mở” thị trường không đồng đều giữa các nhóm ngành, điển hình như sự hạn chế tiếp cận đối với các mặt hàng nông sản tươi sống (hoa, rau, củ, quả, thịt…), đi kèm với hệ thống thủ tục phức tạp đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt chùn bước.
Thứ tư, sự mất cân đối trong cơ cấu thương mại song phương là vấn đề chưa được khắc phục triệt để. Việt Nam xuất siêu lớn nhưng nhập khẩu từ Philippines còn hạn chế - một yếu tố dễ kích hoạt các rào cản thương mại phi thuế.
Thứ năm, Philippines đang chủ động đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, đặc biệt là gạo - mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường này. Thay vì phụ thuộc vào Việt Nam, Manila đang tìm kiếm thêm đối tác từ Ấn Độ, Campuchia, Myanmar… Đây là dấu hiệu cảnh báo cho sự sụt giảm thị phần nếu Việt Nam không có chiến lược ứng phó phù hợp.
Thứ sáu, các biện pháp phòng vệ thương mại đang được Philippines triển khai ngày càng thường xuyên và kỹ lưỡng. Nhiều sản phẩm Việt từng là đối tượng của các cuộc điều tra, từ thép đến xi măng, và xu hướng này có thể lan sang các mặt hàng khác nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Thứ bảy, hành lang pháp lý cho nhóm hàng nông sản tươi sống giữa hai nước vẫn chưa được khơi thông, khiến Việt Nam dù có ưu thế lớn về sản phẩm vẫn chưa tận dụng được cơ hội một cách tối đa.
Thứ tám, các thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô và thương mại của Philippines sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt khi nước này đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng nội địa và tăng cường bảo hộ một số ngành sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị cần khẩn trương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu một cách có chọn lọc và chiến lược, đặc biệt với các ngành hàng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, dược phẩm, vật liệu xây dựng.
Thương vụ đặc biệt lưu ý, cần giữ vững và nâng tầm vị thế số 1 về xuất khẩu gạo tại thị trường này, đồng thời gia tăng giá trị kim ngạch và tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu quốc gia, xây dựng hình ảnh hàng Việt chất lượng, đáng tin cậy và cạnh tranh.
Ông Phùng Văn Thành đặc biệt lưu ý, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng, tiềm năng và cả thách thức của thị trường Philippines - điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược “đi nhanh và đi xa” tại thị trường này.
Cần khẩn trương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu có chọn lọc và chiến lược, đặc biệt với các ngành hàng có thế mạnh như nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, dược phẩm, vật liệu xây dựng.
Hoàng Giang
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hop-tac-viet-nam-philippines-san-sang-cho-mot-cu-huych-thuong-mai-moi-380804.html