Hộ cá thể, lực lượng lớn nhưng chưa được tổ chức tương xứng
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, việc chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh cá thể - vốn chiếm tới 30% GDP quốc gia - sang doanh nghiệp chính thức đang là một bài toán lớn. Một số chuyên gia đề xuất giải pháp mang tính “chuyển đổi mềm” thông qua mô hình Hợp tác xã điện tử (HTXĐT), ứng dụng công nghệ số để tổ chức lại khu vực kinh tế phi chính thức, đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên gia và các cơ quan hoạch định chính sách.
Mô hình Hợp tác xã điện tử được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế tập thể hiện đại. Ảnh: T.Hòa
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, tạo ra hơn 10 triệu việc làm và đóng góp khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước của khối này đang ở mức rất thấp, khoảng 1,6% ngân sách Nhà nước, chủ yếu qua thuế khoán. Nguyên nhân, phần lớn hoạt động kinh doanh của hộ cá thể diễn ra ngoài hệ thống thống kê chính thức do thiếu hóa đơn, sổ sách, và cơ chế pháp lý rõ ràng.
Nếu trở thành doanh nghiệp, họ sẽ thực hiện nghĩa vụ về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội… từ đó mở rộng cơ sở thuế bền vững, giảm gánh nặng lên khu vực doanh nghiệp hiện hữu, góp phần tăng thu ngân sách theo hướng công bằng, minh bạch.
Thực tế cho thấy, hàng loạt hộ kinh doanh quy mô lớn - từ chuỗi nhà hàng, đơn vị vận tải đến hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - vẫn hoạt động dưới hình thức hộ cá thể do ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp vì các rào cản pháp lý và chi phí vận hành cao. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có giải pháp tiếp cận mới, linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc nâng cấp khu vực hộ cá thể thành doanh nghiệp chính thức của nền kinh tế…
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia đề xuất mô hình HTXĐT tạo ra một hình thức trung gian để hộ cá thể vận hành theo chuẩn doanh nghiệp mà không cần “nhảy vọt” về pháp lý. HTXĐT sẽ cung cấp nền tảng số giúp hộ kinh doanh minh bạch hóa dòng tiền qua ví điện tử HTX; kế toán tập trung, hóa đơn điện tử và hợp đồng số; tư vấn pháp lý, đào tạo quản trị, hỗ trợ tiếp cận tín dụng và thị trường; từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp trong lòng HTX.
Đáng chú ý, mô hình này cho phép hộ cá thể giữ độc lập tài chính và quyền điều hành, tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, nhưng được tiếp cận hạ tầng công nghệ chung và cơ chế pháp lý tiệm cận doanh nghiệp.
Liên kết "bốn nhà" để phát triển hợp tác xã điện tử
Từ thực tiễn trên, đề xuất với Đảng, Nhà nước cần có một mô hình trung gian, linh hoạt và phù hợp với đặc thù của kinh tế hộ tại Việt Nam, cho phép các hộ kinh doanh từng bước “học làm doanh nghiệp” mà không bị áp lực thay đổi pháp lý tức thời. Triển khai mô hình HTXĐT - nền tảng giúp tổ chức lại khu vực hộ cá thể một cách có kiểm soát, có số hóa, có minh bạch, và có lộ trình chuyển đổi mềm sang doanh nghiệp khi đủ điều kiện. HTXĐT chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ theo mô hình “bốn nhà”:
Mô hình Hợp tác xã điện tử được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế tập thể hiện đại
Nhà nước giữ vai trò điều tiết quan trọng, với việc tạo cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế tư nhân phát triển. Nhà nghiên cứu gồm các viện, trung tâm nghiên cứu, nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành, xây dựng mô hình quản trị và kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và các kịch bản ứng phó rủi ro. Nhà đầu tư (doanh nghiệp) chính là các thành viên - hộ cá thể - trong hợp tác xã, đồng thời góp vốn, góp sức xây dựng doanh nghiệp chung. Nhà dân là các hộ kinh doanh cá thể tham gia vào HTXĐT - hình thức kinh tế tập thể hiện đại, linh hoạt, giúp minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. “Bốn nhà” này hình thành một hệ sinh thái liên kết - cùng sở hữu, cùng điều hành và cùng hưởng lợi - gọi là Liên minh kinh tế phát triển bền vững dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.
HTXĐT vận hành theo Luật Hợp tác xã, kết hợp công nghệ số để cung cấp cho thành viên (hộ cá thể) các dịch vụ: kế toán số, xuất hóa đơn thay mặt, hợp đồng điện tử; ví con tài chính riêng trong tài khoản hợp tác xã, minh bạch giao dịch; tư vấn thuế, chuyển đổi mô hình, đào tạo kỹ năng quản trị; liên kết ngân hàng để tạo lịch sử tín dụng hộ kinh doanh...
Mô hình HTXĐT cộng đồng, hộ cá thể là thành viên liên kết. HTX cung cấp nền tảng công nghệ quản lý (app, web, ví điện tử, quản trị bán hàng…); hỗ trợ chuyển đổi số, hóa đơn, tài chính kế toán; thương hiệu kép, hợp đồng pháp lý, xuất hóa đơn.
Hộ kinh doanh được tham gia tự nguyện, có hợp đồng hợp tác rõ ràng, vẫn giữ độc lập về vốn - điều hành; thí điểm mô hình “HTX chuyển đổi số hỗ trợ hộ kinh doanh” tại một số địa phương; công nhận giao dịch qua HTX là hợp pháp, được xuất hóa đơn và kê khai thuế tập trung; ưu đãi tín dụng, mặt bằng, đấu thầu, thương mại điện tử cho mô hình này; cho phép thí điểm mô hình HTXĐT chuyển đổi số tại một số tỉnh, thành phố từ năm 2026.
Chính vì vậy, đề xuất Đảng, Nhà nước có chủ trương cho phép nghiên cứu, thí điểm triển khai mô hình HTXĐT ứng dụng chuyển đổi số. Đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mềm sang mô hình doanh nghiệp, góp phần mở rộng khu vực kinh tế chính thức, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế tập thể hiện đại. Nếu được quan tâm và áp dụng thành công, đến năm 2030, mô hình này kỳ vọng sẽ giúp hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện hữu cùng hàng triệu hộ mới chuyển đổi thành doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng GDP, mở rộng nguồn thu ngân sách và tạo hàng triệu việc làm cho xã hội.
XUÂN TUẤN