Hợp tác xã nông nghiệp bắt nhịp công nghệ số

Hợp tác xã nông nghiệp bắt nhịp công nghệ số
10 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, công nghệ số đã được nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, công nghệ số cũng tham gia vào quá trình phát triển thị trường thông qua việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của các hợp tác xã, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hạn chế chi phí từ các bước trung gian. Đồng thời tạo cơ hội để các hợp tác xã tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh đất nước đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý thực hiện mô hình cánh đồng công nghệ trong sản xuất lúa.
Thay đổi phương thức sản xuất
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại Vĩnh Phúc đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, với sự hình thành của hàng loạt hợp tác xã, mô hình sản xuất điểm, làm giàu cho nông dân.
Hợp tác xã Nấm Tam Đảo (thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo), ngoài việc mạnh dạn đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hệ thống phòng nhân giống, cấy mô, dây chuyền máy đóng bịch, nồi hơi hấp thanh trùng vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, mã vạch truy xuất nguồn gốc và chế biến đa dạng các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, hợp tác xã còn linh hoạt, sáng tạo trong tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử giúp đầu ra sản phẩm ổn định. Hiện, hợp tác xã cung cấp ra thị trường 350 tấn nấm các loại/năm, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng.
Là hợp tác xã đang quản lý và tổ chức sản xuất, canh tác với diện tích trên 150 ha đất nông nghiệp của 3 thôn Lý Hải, Lý Nhân và Dương Cốc thuộc xã Phú Xuân (Bình Xuyên), với 6 tổ sản xuất gồm 635 hộ, tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, ngô nếp, ngô ngọt, rau các loại ... việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất đã được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý triển khai thực hiện từ nhiều năm qua, và đến nay, hợp tác xã đang là một trong các đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp thông minh gắn với an toàn sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ với truyền thông, bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý cho biết: Từ năm 2015 đến nay, hợp tác xã duy trì 130 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thành công thương hiệu gạo an toàn sản xuất theo hướng hữu cơ với sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm trên 50 tấn gạo, đã được cấp thương hiệu sản phẩm gạo OCOP 3 sao năm 2020. Hợp tác xã cũng xây dựng thành công 6 ha sản xuất rau có chứng nhận an toàn theo hướng VietGAP. Ngoài ra, hợp tác xã còn kết nối các hộ nông dân trong vùng vệ tinh sản xuất theo hướng dẫn của hợp tác xã và toàn bộ sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ được đơn vị thu mua với giá cao hơn thị trường 15-40%.
Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua, từ đó không chỉ giúp các đơn vị tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn mang đến sự hài lòng cho khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 260 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong 26 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Nhiều sản phẩm của các HTX đã trở thành sản phẩm mũi nhọn, phát triển thành sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, quy mô một số chuỗi liên kết vẫn nhỏ lẻ, khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực. Để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng chủ lực, trong thời gian qua, rất nhiều hợp tác xã đã chủ động thích ứng với công nghệ số, tận dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sẵn tiền đề là mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mọi thông tin về quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch đều được cập nhật vào sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, Ban Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa đã nhanh chóng thích ứng với công nghệ số để mở rộng thị trường, gia tăng cơ hội phát triển bền vững.
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: "Hợp tác xã đã chủ động xây dựng website riêng, thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Sendo.vn để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhanh chóng tiếp cận phương thức bán hàng mới này đã giúp chúng tôi liên kết sản xuất, tiêu thụ với một số hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố lân cận và có thêm thị trường tiêu thụ mới là hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn doanh nghiệp".
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản của tỉnh đã và đang dần được khẳng định là hướng đi đúng, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại.
Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, triển khai các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 300 mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP 3 sao trở lên của các nông hộ, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được đăng tải lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là cách giúp khách hàng nhanh chóng cập nhật thông tin sản phẩm, dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác, mang lại nhiều thuận lợi, tránh bị mua đắt hay mua phải nông sản không rõ nguồn gốc.
Đây là cơ hội để người nông dân và các hợp tác xã tiếp tục phát huy thế mạnh sản phẩm của mình. Từ đó góp phần khuyến khích bà con nông dân tích cực duy trì giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nông sản truyền thống; chủ động sản xuất sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương và chắp cánh cho nông sản vươn xa.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126727//hop-tac-xa-nong-nghiep-bat-nhip-cong-nghe-so