Hợp tác xã tiêu biểu nuôi gà công nghệ cao xuất khẩu

Hợp tác xã tiêu biểu nuôi gà công nghệ cao xuất khẩu
4 giờ trướcBài gốc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Tuấn Anh và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai Đỗ Phước Dũng vinh danh ông Lê Văn Quyết và Hợp tác xã Long Thành Phát đạt danh hiệu Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc 2024. Ảnh:B.Nguyên
Với những đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, hình thành chuỗi sản xuất đa giá trị, HTX Long Thành Phát do ông Nguyễn Văn Quyết là Giám đốc vinh dự được Trung ương Hội Nông dân công nhận là HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Nuôi gà theo hướng công nghệ cao
Thời gian đầu, trại gà của ông Quyết hoạt động theo hướng bán tự động, cần lượng lớn nhân công. Tuy nhiên, chăn nuôi rất bấp bênh vì phải phụ thuộc vào thị trường trong khi chi phí cho đầu vào, nhân công lại cao nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Vừa làm, vừa tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm, đến năm 2006, ông Quyết đã chuyển hướng đầu tư, đưa các hoạt động như: cho ăn, uống nước, thuốc, úm gà… sang tự động hóa nhằm tối ưu chi phí sản xuất. Năm 2017, HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát ra đời. Ông Quyết bắt tay với những nông dân giỏi cùng lĩnh vực để gây dựng nên trang trại gà quy mô lớn, hiện đại theo mô hình HTX ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việt Nam có hơn 28 ngàn HTX, hơn 100 liên hiệp HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%. Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45 ngàn HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1,7 ngàn HTX thành viên. Cả nước phấn đấu có trên 5 ngàn HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để được là thành viên của HTX, nông dân phải đảm bảo nhiều điều kiện khắt khe như: có kinh nghiệm chăn nuôi, tài chính và đặc biệt không ngại gian khổ, vươn lên sau những vấp ngã... Những năm gần đây, HTX tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ vào chăn nuôi, trại gà được đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân. Lịch trình, công đoạn từng lứa gà được lên trước cả năm, gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện. Tất cả các khâu trong quy trình chăn nuôi đều được áp dụng công nghệ hiện đại, tự động. Ngoài ra, dây chuyền chăn nuôi còn được sử dụng công nghệ chạy lạnh, công nghệ sinh học và ứng dụng men sinh học khử mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, với khoảng 2 triệu con gà thông thường phải sử dụng đến 300 lao động nhưng tại HTX này chỉ cần khoảng 100 nhân công. Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi giúp các trang trại giảm chi phí, nhân công, năng suất chăn nuôi vượt trội và không gây ô nhiễm môi trường.
Xuất khẩu gà vào thị trường khó tính
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao mà việc quản lý, điều hành các hoạt động của HTX được thực hiện một cách chuyên nghiệp. Chủ trang trại không phải tính toán chuyện mua giống ở đâu, vận chuyển ra sao, mua thức ăn hiệu gì, bán gà cho ai, giá bao nhiêu hay thời điểm gà xuất chuồng thế nào. Những phần việc trên được đưa vào phần mềm ứng dụng riêng của HTX.
Công nghệ giúp quản lý một cách tự động nên dù đi công tác, ông Quyết vẫn điều hành, theo dõi đàn vật nuôi, việc nhập, xuất chuồng mọi thời điểm cụ thể. Ông trở thành người đầu tiên sử dụng công nghệ cao nhất của Việt Nam trong chăn nuôi, từ đó dành thời gian nhiều cho việc phát triển thị trường, đưa hàng hóa xuất ngoại.
Nhật Bản là một trong những thị trường có sự kiểm soát về chất lượng thực phẩm nghiêm ngặt nhất thế giới. Không dễ để các đơn vị sản xuất thực phẩm đưa được hàng vào đây nhưng HTX Long Thành Phát đã làm được, đều đặn hàng ngày, đơn vị vẫn đang cung ứng gà cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt sang thị trường này.
Theo ông Lê Văn Quyết, mục tiêu mà HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát hướng đến là tiếp tục mở rộng hệ thống các trang trại chăn nuôi, đáp ứng tốt cả nhu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. HTX sẽ thu hút thêm nhiều trang trại, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia để chuỗi liên kết không ngừng lớn mạnh. Việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số là một trong những yêu cầu tiên quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về thị trường xuất khẩu.
Đào Lê
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/hop-tac-xa-tieu-bieu-nuoi-ga-cong-nghe-cao-xuat-khau-e0c5e78/