Sáng 24/12, Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã họp, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương, Quách Tất Liêm; lãnh đạo các ban, sở, ngành...
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện phát biểu kết luận cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tình hình KT-XH 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2026 - 2030. Theo đó, các đại biểu đánh giá, trong 5 năm 2021 - 2025, kinh tế của tỉnh duy trì sự tăng trưởng qua các năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế có lúc đạt thấp. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; quy mô kinh tế và tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng qua các năm. Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2025, GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,91 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.310 tỷ đồng, gấp 1,78 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu hằng năm tăng bình quân 18% trở lên; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38%. Lũy kế đến năm 2025, ước có 91 xã về đích nông thôn mới; 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, huyện Lạc Thủy)... Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội...
Về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2026 - 2030, các đại biểu thống nhất cao với quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh và 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 2 phương án chủ đề Đại hội. Về kết cấu Báo cáo chính trị gồm 2 phần: Phần thứ nhất - Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Phần thứ hai - Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Các đại biểu đề nghị rà soát, tính toán lại chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng sản phẩm (GRDP) đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và Quy hoạch hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thu ngân sách địa phương, số hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch sinh thái...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đối với dự thảo Báo cáo tình hình KT-XH 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2026 - 2030, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các thành viên Tiểu ban theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát nội dung dự thảo, bảo đảm đánh giá khách quan, trung thực kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực.
Đối với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản đồng tình với phương án 2 chủ đề Đại hội, tuy nhiên cần rõ nghĩa hơn và chỉnh sửa một số cụm từ. Báo cáo chính trị cần đánh giá kết quả đạt được trong từng chỉ tiêu, đặc biệt đánh giá bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp đúng, trúng cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, bám sát chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo phù hợp điều kiện khách quan của tỉnh, mang tính chiến lược, tầm nhìn, hoạch định các định hướng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế của tỉnh. Đề nghị chỉnh sửa lại câu chữ, văn phong trên tinh thần ngắn gọn, xúc tích của văn kiện. Các mục tiêu nhiệm kỳ mới phải cụ thể, gắn với nguồn lực và giải pháp cụ thể bảo đảm tính khả thi để thực hiện, tạo bứt phá cho KT-XH của tỉnh; các chỉ tiêu cần bám sát quy hoạch tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn văn hóa...
Dương Liễu