Họp, xem xét đặt tên các tuyến đường trên địa bàn huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ

Họp, xem xét đặt tên các tuyến đường trên địa bàn huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cuộc họp.
Hiện nay, hệ thống kỹ thuật đô thị của thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn Sơn Thịnh phát triển khá mạnh mẽ; trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và công trình công cộng trên địa bàn từng bước được đầu tư, hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Tất cả các tuyến đường trên địa bàn các thị trấn đều chưa được đặt tên chính thức về mặt hành chính, là cơ sở thực tiễn để lập đề án đặt tên đường.
Trong nhiều năm qua, mạng lưới giao thông tại thị xã Nghĩa Lộ được đầu tư, nhiều tuyến đường được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo đi lại cho người dân. Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ có 31 tuyến đường đã có tên và không đề nghị đổi tên, còn 12 tuyến đường chưa được đặt tên tại 4 phường Tân An, Pú Trạng, Trung Tâm, Cầu Thia.
Các địa phương trên cũng đã tổ chức các cuộc họp với nhân dân các tổ dân phố, họp ban thường vụ đảng ủy và tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc đặt tên đối với các tuyến đường trên địa bàn.
Qua đó, huyện Văn Chấn thống nhất đề nghị đặt tên 10 tuyến đường trình trong Đề án đặt tên các tuyến đường tại thị trấn Sơn Thịnh gồm: đường Điện Biên, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thọ, Vương Thừa Vũ, Kim Đồng, Thanh Niên, Hồng Sơn, Tô Hiệu, Trần Phú, Hoa Ban.
Huyện Mù Cang Chải đề nghị đặt tên 9 đường trên địa bàn thị trấn Mù Cang Chải gồm: đường Hoàng Liên, Khau Phạ, Tớ Dày, Nậm Kim, Hoa Ban, La Phu Khơ, Kim Nọi, Sơn Tra, Nậm Mơ và 3 công trình công cộng gồm: Sân khấu 2/7, Công viên Thác Mơ, Sân vận động 18/10.
Thị xã Nghĩa Lộ đề nghị đặt tên 12 tuyến đường gồm: đường 18/10, đường 8/10, Trần Phú, Trần Huy Liệu, đường 10/12, đường 15/5, Thanh Niên, đường 19/8, Vương Thừa Vũ, Võ Thị Sáu, Đinh Nhu, Hoàng Văn Thọ.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng tư vấn đã nghiêm túc thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến hiệu quả, thiết thực về sự phù hợp của tên dự kiến đặt cho các tuyến đường, phố trên địa bàn thị trấn thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Mù Cang Chải, 4 phường của thị xã Nghĩa Lộ, như: tên theo tiếng địa phương, tên danh nhân, tên theo sự kiện, dấu mốc lịch sử; rà soát, thông tin, làm rõ các tên đường dự kiến đặt tên bị trùng giữa huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái; đề xuất phương án đặt tên một số tuyến đường phù hợp hơn với quy hoạch, thiết kế đảm bảo đúng quy chế đặt tên của một số tuyến đường theo quy định về quản lý nhà nước.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải cần thực hiện các nội dung: rà soát căn cứ pháp lý và cấu trúc của Đề án; bổ sung các biên bản họp với các tổ dân phố để nắm rõ ý kiến của nhân dân tại địa phương; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện rà soát, thống kê, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về các tuyến đường sẽ đặt tên để trình UBND tỉnh sửa đổi, cập nhật lại bảng giá đất thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.
Cùng với đó, các địa phương cần đánh giá tác động thuận lợi, khó khăn đối với người dân, các đơn vị liên quan đến việc thay đổi tên đường; chỉnh sửa phần thuyết minh tên đường cho phù hợp, nêu bật được ý nghĩa, lịch sử truyền thống của địa phương; thuyết minh rõ được vị trí điểm đầu, điểm cuối của tuyến đường, điều chỉnh lý trình, số ki- lô- mét vì nhìn bản đồ rất khó nhận biết; xem xét lại tuyến đường đề xuất đặt tên có đủ điều kiện để đặt theo quy định hay không; tuyên truyền sâu rộng để nhân dân cùng đồng thuận theo chủ trương của tỉnh và huyện.
Riêng huyện Văn Chấn, các thành viên hội đồng tư vấn nhất trí giữ tên các tuyến đường Hoàng Văn Thọ, Hồng Sơn, tuy nhiên cần bổ sung chi tiết thuyết minh cho phù hợp; nghiên cứu, thay đổi tên 8 tuyến đường đề xuất bị trùng, ưu tiêu đặt tên theo lịch sử địa phương hơn là các danh nhân, có thể tham khảo các tên hiện có, mang bản sắc như: Suối Giàng, Cửa Nhì, Lũng Lô….
Đối với Đề án đặt tên đường của huyện Mù Cang Chải, các thành viên Hội đồng tư vấn cơ bản thống nhất với các tên đường huyện đề xuất do gắn liền với bản sắc, văn hóa truyền thống của một huyện du lịch. Trong đó, nhất trí giữ 7 tên đường (Hoàng Liên, Tớ Dày, Nậm Kim, La Phu Khơ, Kim Mọi, Sơn Tra, Nậm Mơ), sửa tên đường Hoa Ban thành đường Bản Thái, đường Hoàng Liên gộp cùng đường Khau Phạ thành một và chỉnh sửa lại thuyết minh lý do đặt tên cho phù hợp; nhất trí đặt tên một công trình công cộng là Công viên Thác Mơ, nghiên cứu đảm bảo đầy đủ thiết chế cơ sở theo quy định.
Đối với thị xã Nghĩa Lộ, các đại biểu ghi nhận sự chuẩn bị kỹ về Đề án đặt tên đường, đầy đủ các tài liệu có liên quan trong hồ sơ trình và có sự nghiên cứu việc đặt tên logic, khoa học, kết nối lẫn nhau. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn đề nghị thị xã tiếp thu, chỉnh sửa cô đọng ngắn gọn lại nội dung thuyết minh lý do đặt tên các tuyến đường; xem xét tên đã phù hợp với quy mô của các tuyến đường chưa; nghiên cứu đổi tên đường trùng với các địa phương, đặt các tên gắn với bản sắc, văn hóa địa phương thay vì thiên quá nhiều về các ngày lễ, ngày kỷ niệm dễ gây nhầm lẫn cho nhân dân và du khách, nếu giữ nguyên thì có báo cáo bảo vệ, giải trình bổ sung hồ sơ để xin ý kiến của hội đồng cấp trên.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Yên Bái nêu rõ Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ phát hiện những tên đường, phố trùng nhau, chưa đúng hoặc chưa hợp lý để đề nghị UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh cho sửa hoặc thay đổi. Việc đặt tên tuyến đường là nhiệm vụ cẩn trọng, là việc làm cần thiết nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị quản lý hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Đồng chí đề nghị các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ tiếp thu, chỉnh sửa lại cấu trúc Đề án đảm bảo tính khoa học, nêu rõ đặc điểm, vị trí tuyến đường, có lý trình mô tả, tên dự kiến đặt theo thứ tự để dễ theo dõi; thay bản đồ thành sơ đồ chi tiết cho dễ nhìn; cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ theo quy định.
Đối với các tuyến đường bị trùng tên, các địa phương tham khảo tên Hội đồng tư vấn đề xuất, nghiên cứu sử dụng những tên gắn với địa phương, đã quen thuộc với người dân; quyết tâm hoàn thiện nộp hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét trước ngày 25/11/2024 và thông qua tại kỳ họp hội đồng nhân dân cuối năm theo đúng thời gian, mục tiêu đã đề ra.
Thanh Hoa (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/13/342081/hop-xem-xet-dat-ten-cac-tuyen-duong-tren-dia-ban-huyen-van-chan-huyen-mu-cang-chai-va-thi-xa-nghia-lo.aspx