HTX ở Bù Đăng 'số hóa' giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

HTX ở Bù Đăng 'số hóa' giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
8 giờ trướcBài gốc
Đáng chú ý, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đang đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số này, mang lại những hiệu quả thiết thực và bền vững.
CNTT trở thành cánh tay đắc lực trong phát triển HTX
Trước đây, với tập quán canh tác truyền thống và thiếu thông tin thị trường, người nông dân DTTS ở Bù Đăng thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Sản phẩm làm ra chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, thậm chí có thời điểm rơi vào tình trạng "được mùa mất giá". Sự hạn chế về kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ hiện đại cũng là một rào cản lớn.
Tuy nhiên, bức tranh ấy đang dần thay đổi. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là vai trò tiên phong của các HTX, CNTT đang từng bước len lỏi vào đời sống sản xuất của bà con. Từ những chiếc điện thoại thông minh ban đầu chỉ dùng để nghe gọi, nhắn tin, giờ đây, nó đã trở thành một công cụ đa năng, hỗ trợ bà con trong nhiều khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Các ngành chức năng ở Bù Đăng đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của CNTT trong việc nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường và cải thiện đời sống cho các thành viên, phần lớn là đồng bào DTTS. Họ đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch trồng nhiều loại cây như điều, cao su, cà phê, tiêu và cây ăn trái.
Tiêu biểu như UBND tỉnh Bình Phước có đề án hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào hoạt động sản xuất. Hay Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đã tổ chức khảo sát, đào tạo cho các HTX, người dân vùng DTTS và miền núi trong tỉnh, trong đó có huyện Bù Đăng đẻ có những hỗ trợ trong đào tạo và triển khai ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả. Có HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam tư vấn phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất và hỗ trợ máy vi tính như HTX Sản xuất nông lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ tổng hợp Bù Sốp (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng)…
Việc Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng CNTT đã giúp nhiều HTX, người dân vùng DTTS và miền núi biết cách sử dụng điện thoại thông minh, truy cập internet, tìm kiếm thông tin thị trường, sử dụng các ứng dụng nông nghiệp, quản lý trang trại trên nền tảng số.
Nhiều HTX đã thiết lập website, trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, kết nối với khách hàng tiềm năng. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp sản phẩm nông sản của bà con tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, không còn bị giới hạn bởi địa lý.
Hiệu quả "kép" từ ứng dụng CNTT
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai) không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất điều hữu cơ mà còn ứng dụng CNTT để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Chị Thị Khưi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: HTX Trảng cỏ Bù Lạch hiện có 20 hộ thành viên và chủ yếu là đồng bào DTTT. Tổng diện tích điều hữu cơ của các thành viên HTX và thành viên liên kết là hơn 4.000 ha. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng. Kinh doanh có lãi đã giúp HTX mở rộng quy mô sản xuất, kết nạp thêm thành viên mới, tạo việc làm cho bà con DTTS ngay tại quê nhà.
Đến 2024, nhờ ứng dụng công nghệ và đầu tư sản xuất bài bản, HTX chính thức ký kết thỏa thuận thu mua hạt điều thô với đối tác là Công ty TNHH điều Intersnack Việt Nam, sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Đây không chỉ là niềm vui của bà con HTX mà còn là niềm vui của người trồng điều trên địa bàn xã Đồng Nai nói chung.
Người trồng điều ở Bù Đăng đã chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh.
Còn tại HTX Nông nghiệp K&M (xã Đồng Nai), HTX này đã ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và hợp tác với đối tác nước ngoài. Dù hình thành và phát triển trên địa bàn xã Đồng Nai với tỷ lệ đồng bào DTTT cao, nhưng đến nay, theo chị Thị Mơm, dân tộc Châu Mạ và cũng là Giám đốc HTX nông nghiệp K&M, nhiều người dân đã không còn xa lạ với chuyển đối số vì điều này giúp bà con sản xuất thuận lợi hơn.
Tương tự, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh (xã Đắk Nhau), dù thành viên, người dân là đồng bào DTTS trước kia e ngại mô hình HTX nhưng khi thấy được hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch kết hợp ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ hiệu quả, nhiều người dân đã tham gia làm thành viên và hộ liên kết với HTX. Hiện, HTX Đồng Xanh đang tích cực hỗ trợ các thành viên là đồng bào DTTS ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất.
Người dân tộc thiểu số yên tâm gắn bó với HTX
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc ứng dụng CNTT, với sự đồng hành của các HTX, đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho đồng bào DTTS ở Bù Đăng. Cụ thể là bà con có thể nhanh chóng nắm bắt được giá cả nông sản, nhu cầu thị trường, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, từ đó đưa ra quyết định sản xuất và kinh doanh phù hợp.
Từ những câu chuyện trên có thể thấy, những HTX này không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái truyền thống. Thay vào đó, sản phẩm của bà con có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng ở khắp mọi nơi thông qua các kênh trực tuyến. Điều này giúp tăng khả năng tiêu thụ và giảm thiểu rủi ro bị ép giá.
Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số giúp sản phẩm nông sản của Bù Đăng được biết đến rộng rãi hơn, tạo dựng uy tín và có cơ hội bán với giá cao hơn.
Nhờ cách này mà thương hiệu sản phẩm của các HTX và người dân được rộng mở, giúp nâng cao thu nhập. Khi thu nhập được cải thiện, đời sống của bà con ở Bù Đăng cũng từng bước được nâng lên, tạo động lực để họ tiếp tục đổi mới và phát triển.
Anh Điểu Nu, thành viên HTX nông nghiệp điều hữu cơ trảng cỏ Bù Lạch, cho biết khi HTX ký kết hợp tác tiêu thụ điều thô lâu dài với đối tác nước ngoài là một niềm vui với thành viên và người dân vùng DTTS. Theo anh Điểu Nu, trước đây khi chưa ký kết hợp tác, giá thu mua thấp, bà con không có lãi. Từ khi HTX ký kết bao tiêu sản phẩm với các công ty thu mua trong và ngoài nước giá điều thô tăng lên từ 1.000-1.500 đồng/kg. Bà con nhờ đó có thu nhập cao và yên tâm gắn bó với cây điều và HTX.
Theo thống kê, huyện Bù Đăng có đến gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Nhờ đẩy mạnh phát triển mô hình HTX và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS mà đến nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện ước tính đạt 77 triệu đồng/người/năm vào năm 2024, tăng đáng kể so với mức 24 triệu đồng/người/năm vào năm 2015.
Đặc biệt, sự đi đầu của nhiều HTX trong chuyển đổi số đã tạo niềm tin cho người dân vùng DTTS trong huyện. Ngay như xã Đồng Nai là xã vùng đồng bào DTTS của huyện Bù Đăng và có gần 70% dân số là đồng bào DTTS. Trong đó, thôn 5, xã Đồng Nai có tỷ lệ đồng bào DTTS rất cao, chiếm gần 90%.
Vậy nhưng xã này lại đi đầu trong phát triển HTX và thực hiện ứng dụng chuyển đổi số. Đến nay, toàn xã có 9 HTX dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, trong đó 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh hạt điều với 100% thành viên là đồng bào DTTS. Cấp ủy, chính quyền xã ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò của các HTX, đặc biệt là 2 HTX do phụ nữ DTTS làm giám đốc là HTX Trảng cỏ Bù Lạch và HTX K&M, đã tạo việc làm cho đồng bào nơi đây, góp phần giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,8%.
Rõ ràng, ứng dụng CNTT trong tiêu thụ nông sản và sản xuất kinh doanh, với sự dẫn dắt của các HTX, đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho đồng bào DTTS ở huyện Bù Đăng. Đây không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo bền vững và hội nhập vào nền kinh tế số của đất nước.
Quang Am
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//business-cooperative/htx-o-bu-dang-so-hoa-giu-p-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-1106849.html