Trong số đó, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ huyện Nông Cống (Thanh Hóa) là một trong những điển hình của tỉnh về phát triển hiệu quả nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo sinh kế cho hàng trăm lao động nông thôn.
Duy trì và phát huy nghề truyền thống
Từ một tổ làm nghề tiểu thủ công nghiệp ra đời sau khi được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ dạy nghề, với sự năng động trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, năm 2010, chị Nguyễn Thị Thắm đã thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ gồm 102 thành viên.
Sản phẩm của HTX Tân Thọ được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu cói có sẵn tại địa phương, do đó, vừa góp phần tích cực tiêu thụ nguyên liệu, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.
Tính đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đang tạo việc làm cho 500 lao động tham gia sản xuất với 10 cơ sở tại huyện Nông Cống và một số huyện như Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương.
Đối tượng lao động HTX sử dụng chủ yếu là những người quá tuổi lao động, phụ nữ có con nhỏ, đặc biệt có hơn 100 hội viên là người khuyết tật tham gia.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: Sản phẩm tại HTX được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu cói có sẵn tại địa phương, do đó, vừa góp phần tích cực tiêu thụ nguyên liệu, vừa tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.
Chuyên sản xuất, kinh doanh hàng mỹ nghệ, đồ dùng, đồ trang trí từ mây, tre, cói, trung bình mỗi năm tại HTX Tân Thọ đạt sản lượng tới 90.000 sản phẩm/năm, sản lượng xuất khẩu đạt 70.000 sản phẩm/năm, doanh thu xuất khẩu hàng năm của HTX đạt gần 10 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, ngoài tranh thủ nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước, HTX thường xuyên tổ chức các lớp học nghề cho học viên mới và nâng cao tay nghề, kỹ năng cho các tổ nhóm tại các xã.
Là một trong những người gắn bó công việc hàng chục năm tại HTX, bà Đỗ Thị Cúc ở thôn Phú Quý cho hay, đã nhiều năm nay, ngoài làm ruộng, những người phụ nữ tại địa phương như tôi có thêm nguồn thu nhập đầu và ổn định nhờ tham gia làm nghề thủ công mỹ nghệ.
“Nghề thủ công lại rất phù hợp với chị em phụ nữ, ai chưa biết làm thì được HTX đào tạo nghề miễn phí. Công việc duy trì ổn định nên chị em rất phấn khởi. Nếu tranh thủ làm nhiều, mỗi người cũng có thu nhập từ 4 -5 triệu/tháng” – bà Cúc chia sẻ.
Không ngừng sáng tạo, mở rộng thị trường
Sau hơn chục năm phát triển, đến nay các sản phẩm từ cói của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bộ sản phẩm cói treo tường của HTX đã được tỉnh Thanh Hóa công bố là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2024.
Tại HTX Tân Thọ, với những sản phẩm đầy tính tiện dụng, thân thiện môi trường, giá thành hợp lý như như, xiên giỏ tích, xiên giỏ rượu mây, lồng úp xuất khẩu, thảm cói, giỏ đựng đồ, làn, túi xách và các loại mặt hàng bằng cói xiên, khay đựng... sau khi hoàn thiện, thông qua các nền tảng mạng xã hội, thời gian gần đây rất nhiều khách hàng là cá nhân, các công ty từ nhiều nơi đã tìm đến đặt mua sản phẩm của HTX.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ sau khi hoàn thiện, có giá thành hợp lý và thân thiện môi trường nên được người dùng ưa chuộng.
Không chỉ trong nước, mỗi năm hàng trăm đơn hàng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX cũng được xuất khẩu đi một số nước như: Đức, Nhật, Hàn Quốc... Nhờ đó, mang lại cho HTX Tân Thọ nguồn doanh thu ổn định, đạt trên 10 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài làm theo mẫu của các đơn đặt hàng, việc luôn sáng tạo, chủ động thiết kế các mẫu mới là điều kiện quan trọng để HTX mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Hàng năm, HTX đều tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh. HTX cũng là đơn vị có sản phẩm hợp tác tiêu biểu toàn quốc năm 2025.
Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: HTX luôn được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2023, khi khó khăn về vốn HTX đã được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ cho vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Từ nguồn vốn trên, HTX có kinh phí thu mua nguyên liệu, phát triển sản xuất. Trong đó, mở rộng quy mô sản xuất 3 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: đĩa cói, chậu cói và sọt cói; tạo việc làm ổn định cho 59 thành viên và hơn 500 lao động.
Không thể thiếu vai trò "bà đỡ" HTX
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các HTX, doanh nghiệp với thành viên trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần đưa phong trào kinh tế tập thể (KTTT), HTX của tỉnh phát triển bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.364 HTX, với 251.900 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX đạt 7,55 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 51 triệu đồng/người/năm. Với sự chủ động hội nhập, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình HTX kiểu mới ở tất cả các lĩnh vực, nghề. Trong đó, có nhiều HTX đa nghề, hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo...
Thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phối hợp hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, khu vực KTTT, HTX của tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX tiêu biểu đạt kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, điển hình là HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đi một số nước như: Đức, Nhật, Hàn Quốc, với doanh thu hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng; HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng 1.500m2 nhà thủy canh, ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cây trồng hàng hóa cho thành viên và triển khai hoạt động huy động vốn hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, doanh thu hàng năm đạt trên 25 tỷ đồng. HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) duy trì, phát triển 9 khâu dịch vụ (3 khâu cạnh tranh và 6 khâu dịch vụ công), phát triển vùng rau an toàn VietGAP, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân; doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng/năm. HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn) mỗi năm bao tiêu hơn 180 tấn sản phẩm cây hàng hóa cho thành viên và người dân...
Toàn tỉnh hiện có hơn 100 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên. Cùng với đó, có 144 HTX, tổ hợp tác trong khối KTTT tham gia phát triển sản phẩm OCOP, góp phần đánh thức sản phẩm thế mạnh địa phương và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn thành lập mới tổ hợp tác, HTX, phối hợp tổ chức từ 7 - 10 lớp tập huấn cho hơn 400 lượt cán bộ, thành viên HTX và hàng chục đợt tham quan học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, số lượng HTX mới thành lập luôn bảo đảm kế hoạch tỉnh giao; trong đó, số HTX thành lập mới ngày càng đa dạng về mô hình sản xuất, nhạy bén trong việc áp dụng các quy trình công nghệ vào sản xuất, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhiều HTX đạt hiệu quả kinh doanh vượt trội.
Nhờ những nỗ lực của khu vực KTTT, HTX đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2024, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã giảm được 14.660 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 3,52% năm 2023 giảm xuống còn 2,02% cuối năm 2024. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo và sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo.
Hồng Hương