Công trường xây dựng Cầu Huajiang Grand Canyon trong bức ảnh chụp từ trên cao vào ngày 17/1. Ảnh: Getty.
Với độ cao 2.051 feet (khoảng 625 mét) từ mặt nước lên mặt cầu – cao hơn 947 feet (289 mét) so với kỷ lục trước đó của Cầu cạn Millau (Pháp) – công trình này là minh chứng mạnh mẽ cho tham vọng kết nối và phát triển của Trung Quốc, đặc biệt tại các vùng núi cao hiểm trở như tỉnh Quý Châu.
Vượt qua "kẽ nứt trái đất"
Hẻm núi Huajiang, còn được gọi là “vết nứt Trái đất” (Earth Crack), là một trong những thung lũng đá vôi sâu và hùng vĩ nhất Trung Quốc. Nằm ở tỉnh Quý Châu – khu vực miền núi với địa hình phức tạp và ít phát triển – nơi đây từng là điểm nghẽn giao thông giữa các địa phương trong khu vực Tây Nam.
Trước khi có cầu Huajiang, để vượt qua hẻm núi, phương tiện phải mất khoảng 2 giờ len lỏi qua các cung đường đèo dốc nguy hiểm. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cây cầu khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình này xuống chỉ còn 1 phút – một bước nhảy vọt về thời gian và an toàn giao thông.
Nằm cách Thâm Quyến – trung tâm tài chính phía Nam – khoảng 800 dặm (1.300 km) về phía Tây, tỉnh Quý Châu là khu vực được Chính phủ Trung Quốc tập trung đầu tư hạ tầng mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua. Với gần 50/100 cây cầu cao nhất thế giới hiện diện tại đây, Quý Châu đã trở thành “trung tâm cầu treo” toàn cầu, và Huajiang chính là “viên ngọc” sáng nhất trong chuỗi công trình đột phá ấy.
Một bức ảnh chụp bằng máy bay không người lái trên không vào ngày 17/1 cho thấy buổi lễ hoàn thành cấu trúc chính của Cầu Huajiang Grand Canyon ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Những con số kỷ lục và sức mạnh kỹ thuật
Cầu Huajiang là cầu dây võng (suspension bridge) với tổng chiều dài 9.482 feet (2.890 mét). Điểm nhấn kỹ thuật nổi bật là hệ giàn thép liên kết dạng lưới (steel truss) với tổng khối lượng ước tính 22.000 tấn – tương đương 3 tháp Eiffel (Pháp) gộp lại. Công trình sử dụng kết cấu bền vững để chịu được lực gió mạnh, động đất, mưa đá và chênh lệch nhiệt độ vùng cao nguyên.
Dự án được khởi công vào ngày 18/1/2022, hiện đã hoàn thiện 95% khối lượng thi công, theo lời ông Trương Thăng Lâm (Zhang Shenglin) – kỹ sư trưởng Tập đoàn Đường cao tốc Quý Châu – và dự kiến khánh thành vào mùa Hè năm nay.
Cầu được thiết kế hai chiều (dual direction), đánh dấu lần đầu tiên một cây cầu ở độ cao kỷ lục này cho phép lưu thông hai chiều hoàn toàn, không chỉ là giải pháp tạm thời hay một chiều như nhiều công trình cầu cao khác.
Bên cạnh kỹ thuật xây dựng, công trình còn được quản lý bởi hệ thống cảm biến giám sát thời gian thực, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (AI & Big Data) để phân tích các biến dạng, độ rung, ứng suất nhiệt và các yếu tố an toàn khác, đảm bảo hoạt động bền vững trong hàng thập kỷ tới.
Ảnh chụp từ trên không Cầu Huajiang Grand Canyon. Ảnh: Getty.
Biểu tượng mới của Trung Quốc
Huajiang không chỉ là một cây cầu phá vỡ kỷ lục, nó còn là biểu tượng cho tư duy phát triển đồng bộ và sâu sắc của Trung Quốc trong việc mở rộng hạ tầng đến các khu vực miền núi, nơi từng bị cô lập bởi địa hình hiểm trở.
Khi đi vào hoạt động, cây cầu sẽ không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn mở ra khả năng vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, và kết nối các trung tâm công nghiệp trong vùng.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, cầu Huajiang sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới, thu hút những người đam mê khám phá, kiến trúc và nhiếp ảnh. Hẻm núi Huajiang – với phong cảnh ngoạn mục và sự kết hợp giữa thiên nhiên và công nghệ – được ví như “Grand Canyon của châu Á” và sẽ là điểm nhấn trong hành trình Tây Nam Trung Quốc của du khách quốc tế.
“Khi đi vào vận hành, cây cầu này không chỉ phá kỷ lục thế giới, mà còn là biểu tượng mới cho năng lực hạ tầng của Trung Quốc. Đây là dự án trọng điểm thể hiện đỉnh cao kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững tại các khu vực miền núi phía Tây Nam”, ông Trương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về năng lực kỹ thuật và hạ tầng, cầu Huajiang là minh chứng cho chiến lược đầu tư lâu dài, nhất quán của Trung Quốc – từ thành thị đông dân đến những “rãnh nứt xa xôi” nhất của quốc gia.
Được xây dựng trên một vùng đất từng bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở, cây cầu Huajiang chỉ nối liền đôi bờ của hẻm núi, mà còn mở ra cơ hội mới cho hàng triệu người dân. Và trong lịch sử xây dựng cầu đường thế giới, Huajiang là một cái tên không thể bỏ qua.
Huyền Chi