Huawei nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu chip AI khi áp lực từ Mỹ ngày càng tăng

Huawei nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu chip AI khi áp lực từ Mỹ ngày càng tăng
17 giờ trướcBài gốc
Chip AI Ascend 910B – quân bài cũ Huawei đang tung ra thị trường quốc tế.
Huawei đang âm thầm tìm cách bán số lượng nhỏ chip AI cho một số quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á, theo Bloomberg. Mục tiêu của chiến lược là tạo chỗ đứng ở các thị trường mà Nvidia chiếm ưu thế — ngay cả khi Huawei vẫn bị giới hạn về số lượng chip có thể sản xuất.
Nguồn tin thân cận cho biết gã khổng lồ công nghệ đã tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng tại UAE, Ả Rập Xê Út và Thái Lan nhằm chào bán dòng chip cũ Ascend 910B. Hai quốc gia vùng Vịnh từng ký loạt hợp đồng lớn kéo dài nhiều năm để mua chip từ Nvidia và AMD. Thái Lan cũng phụ thuộc nhiều vào Nvidia trong hoạt động AI.
Huawei chào bán hàng nghìn chip 910B, tuy nhiên số lượng cụ thể thay đổi theo từng thỏa thuận. Hãng cũng cố gắng thu hút người mua bằng cách cấp quyền truy cập từ xa vào hệ thống AI tiên tiến có tên CloudMatrix 384. Hệ thống vận hành bằng dòng chip mới hơn là Ascend 910C — loại chip mà Huawei chưa xuất khẩu vì nguồn cung hạn chế. Chip mới chủ yếu hướng đến nhóm khách hàng nội địa không thể mua chip Hoa Kỳ.
Hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Nhưng động thái cho thấy Huawei muốn đưa phần cứng AI của hãng tiếp cận người mua nước ngoài trong nỗ lực mở rộng sản xuất. Mặt khác, giới chức Mỹ đang theo dõi tình hình sát sao, trong bối cảnh Washington kỳ vọng công nghệ của nước này trở thành nền tảng cho tất cả hệ thống AI trong tương lai. Theo ước tính của chính Huawei, và cả phía Hoa Kỳ, dòng chip Ascend vẫn chậm hơn ít nhất một thế hệ so với chip từ Nvidia.
BÁN CHIP CŨ TRƯỚC KHI MẤT GIÁ
Một phần lý do gấp rút có thể đến từ hàng tồn kho của Huawei. Công ty được cho là đã tích trữ gần 3 triệu chip Ascend 910B từ TSMC (Đài Loan) trước khi biện pháp kiểm soát xuất khẩu siết chặt. Việc “xả hàng” chip cũ lúc này giúp Huawei thu hồi giá trị trước khi sản phẩm trở nên lỗi thời — đồng thời tạo cơ hội thu thập phản hồi từ khách hàng dùng thử trước khi những dòng chip mới như 910C và 910D đi vào sản xuất đại trà. Cách tiếp cận cũng giúp Huawei âm thầm hiện diện tại một số khu vực vốn do các nhà sản xuất chip Mỹ nắm giữ.
Tại UAE, mức độ quan tâm đến chip Huawei khá thấp. Một số chuyên gia cho biết thậm chí các cơ sở giáo dục như Đại học Trí tuệ nhân tạo Mohamed bin Zayed (MBZUAI) cũng không mấy hứng thú. Giới chức Thái Lan chưa phản hồi, và hiện trạng đàm phán tại nước này cũng chưa rõ ràng.
Huawei được cho là tiến hành đàm phán nhằm cung cấp khoảng 3.000 chip cho Malaysia, theo một số báo cáo trước đó. Tình trạng của dự án không được tiết lộ thêm. Tại Ả Rập Xê Út, cuộc trao đổi với các tổ chức nhà nước như Cơ quan Dữ liệu & AI Quốc gia (SDAIA) có vẻ vẫn tiến triển. Tuy nhiên, đại diện phát ngôn của SDAIA lại tuyên bố không thể bình luận về nội dung không nằm trong phạm vi nhiệm vụ.
CÁC NƯỚC VÙNG VỊNH ĐẦU TƯ MẠNH VÀO HẠ TẦNG AI
Trung Đông, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh, đang trở thành điểm nóng cho phát triển AI. Ả Rập Xê Út thúc đẩy nhiều dự án AI thông qua Quỹ đầu tư công và SDAIA, xây dựng hạ tầng mới và chương trình đại học gắn với mục tiêu “Tầm nhìn 2030”. Tại UAE, MBZUAI đã ra mắt nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức nghiên cứu quốc tế và cho ra đời mô hình ngôn ngữ lớn riêng. Khu vực đang tự định vị là nơi phát triển hệ thống AI độc lập, thu hút cả Washington và Bắc Kinh.
Huawei âm thầm thâm nhập thị trường vốn do Mỹ thống trị.
Một cựu quan chức Mỹ cho biết Huawei chỉ có thể sản xuất khoảng 200.000 chip AI trong năm nay, chủ yếu dành cho khách hàng Trung Quốc — nơi nhu cầu vượt 1 triệu chip. Con số chưa bao gồm gần 2,9 triệu chip cũ mà Huawei đã tích trữ từ TSMC (Đài Loan).
Tuy nhiên, giới chức Mỹ không mấy yên tâm với những thống kê đó. Thứ trưởng Thương mại Jeffrey Kessler chia sẻ với các nhà lập pháp rằng sản lượng hạn chế của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc nước này thiếu tham vọng toàn cầu.
Huawei từ chối bình luận vì tin đồn dựa trên nhiều nguồn yêu cầu giấu tên. Trước đó, công ty nhấn mạnh chưa từng xuất khẩu chip Ascend sang Malaysia. Giới chức Malaysia cũng phủ nhận sự tham gia vào thỏa thuận bị đưa tin.
Mỹ đang theo sát các thỏa thuận AI tại vùng Vịnh và Đông Nam Á, một phần vì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai khu vực với Trung Quốc. Phía Washington kêu gọi các nước tránh dùng chip Huawei và đề xuất lựa chọn thay thế từ Mỹ — dù phương án thường đi kèm điều kiện và vẫn trong quá trình đàm phán rõ ràng.
Sự cân bằng đặc biệt thể hiện rõ ở Đông Nam Á, nơi hầu hết quốc gia như Malaysia và Thái Lan cố gắng giữ lập trường trung lập. Malaysia là trung tâm lắp ráp và thử nghiệm chip lớn, hiện đang thu hút đầu tư cho các trung tâm dữ liệu AI. Đặc biệt, Penang được hàng loạt “ông lớn” toàn cầu như Intel và Infineon chú ý. Các nước này vừa phụ thuộc vào công nghệ cao của Mỹ, vừa có mối quan hệ thương mại lâu đời với Trung Quốc, rất khó khi phải chọn phe trong cuộc đối đầu công nghệ.
MỸ TRÌ HOÃN QUY ĐỊNH KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU MỚI
Tháng 5/2025, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch thay đổi cách thực thi quy tắc xuất khẩu, nhưng bất đồng nội bộ làm chậm tiến trình. Bộ Thương mại đã soạn quy định dự thảo nhằm mở rộng kiểm soát xuất khẩu sang Malaysia và Thái Lan, nhưng vẫn chưa có hiệu lực. Quy định cũng chưa thể thay thế hoàn toàn biện pháp cũ ban hành dưới thời Tổng thống Biden.
Cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên tại các trung tâm dữ liệu mới nổi.
Cùng lúc, Bộ Thương mại vẫn chưa phê duyệt các thương vụ bán chip gắn với chuyến công du vùng Vịnh gần đây của ông Trump — bao gồm nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Được biết, luật xuất khẩu hiện tại của Mỹ yêu cầu cấp phép cho các thương vụ bán chip AI tới UAE, Ả Rập Xê Út và nhiều nước khác kể từ năm 2024. Nvidia từ chối bình luận, trong khi AMD và Bộ Thương mại không phản hồi.
Một số quan chức của Tổng thống Trump cho rằng việc Huawei chào bán chip khiến quá trình phê duyệt thương vụ của Mỹ càng trở nên cấp thiết. Bởi lẽ, rủi ro nằm ở chỗ Huawei đang thiết lập mối quan hệ ngay từ bây giờ để rồi có thể xuất khẩu thêm sau này. Nhóm chuyên gia khác thì cho rằng không cần phải vội — nếu Mỹ tung ra quá nhiều chip, điều đó cũng có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Việc Nvidia đang chiếm ưu thế cho phép Washington đặt ra điều kiện xuất khẩu nghiêm ngặt.
Theo quan điểm từ chuyên gia, việc Huawei chỉ chào bán vài nghìn chip cũ — chứ không phải loại mạnh nhất — cho thấy Hoa Kỳ vẫn còn thời gian để hành động thận trọng.
Bảo Ngọc
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/huawei-no-luc-day-manh-xuat-khau-chip-ai-khi-ap-luc-tu-my-ngay-cang-tang.htm