Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến không chỉ được xem là câu trả lời của Bắc Kinh đối với "ngôi sao" chip AI Mỹ Nvidia, mà còn là một trong những người tiên phong trong việc kiếm tiền từ các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ứng dụng công nghiệp.
Gian hàng của Huawei tại Triển lãm Di động Thế giới ở Barcelona năm 2025.
"Huawei đã buộc phải chuyển đổi và mở rộng trọng tâm kinh doanh cốt lõi trong thập kỷ qua… do nhiều áp lực từ bên ngoài", đối tác và Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Trung Quốc tại công ty tư vấn DGA-Albright Stonebridge Group, Paul Triolo cho biết.
Sự mở rộng này đã đưa Huawei tham gia vào mọi lĩnh vực, từ xe thông minh, hệ điều hành, đến các công nghệ cần thiết cho sự bùng nổ AI như bán dẫn tiên tiến, trung tâm dữ liệu, chip và mô hình ngôn ngữ lớn. "Không có công ty công nghệ nào khác có thể thành thạo ở nhiều lĩnh vực có độ phức tạp cao và rào cản gia nhập lớn như vậy", ông Triolo đánh giá.
Năm nay, CEO Nvidia Jensen Huang gọi Huawei là "một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới". Ông cũng cảnh báo Huawei sẽ thay thế Nvidia tại Trung Quốc nếu Washington tiếp tục hạn chế xuất khẩu chip của các công ty Mỹ sang quốc gia châu Á này.
Nvidia đã vượt mốc vốn hóa thị trường 4 nghìn tỷ USD vào tuần trước, trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Bộ xử lý tiên tiến và hệ thống tính toán "CUDA" của Nvidia vẫn là tiêu chuẩn công nghiệp cho việc huấn luyện các mô hình và ứng dụng AI sáng tạo. Nhưng khoảng cách này có thể đang thu hẹp, khi Huawei chứng minh rằng họ không chỉ làm mọi thứ mà còn làm rất tốt.
Từ thiết bị chuyển mạch điện thoại đến nhà vô địch quốc gia
Huawei, hiện có hơn 208.000 nhân viên tại hơn 170 thị trường, khởi đầu từ những bước nhỏ. Được thành lập bởi doanh nhân đầy tham vọng Ren Zhengfei vào năm 1987 tại một căn hộ ở Thâm Quyến, công ty bắt đầu như một nhà phân phối thiết bị chuyển mạch điện thoại nhỏ lẻ.
Từ công ty viễn thông nhỏ, Huawei vươn lên trở thành người khổng lồ AI của Trung Quốc.
Khi phát triển thành một công ty viễn thông, Huawei đã tạo dấu ấn bằng cách nhắm đến các thị trường kém phát triển như châu Phi, Trung Đông, Nga và Nam Mỹ, trước khi mở rộng sang châu Âu. Đến năm 2019, Huawei đã sẵn sàng tận dụng cuộc triển khai 5G toàn cầu, trở thành một trong những công ty dẫn đầu thị trường. Cùng thời điểm, Huawei cũng trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới và thiết kế chip điện thoại thông qua công ty con HiSilicon.
Nhưng sự thành công của Huawei cũng thu hút sự chú ý từ các chính phủ ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ, nơi thường xuyên cáo buộc công nghệ của Huawei gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Huawei đã bác bỏ những rủi ro này. Công ty gặp một trở ngại lớn vào năm 2019 khi bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, khiến các công ty Hoa Kỳ không thể làm ăn với Huawei.
Khi tác động của các lệnh cấm bắt đầu, mảng kinh doanh tiêu dùng - từng là nguồn thu lớn nhất của công ty - đã giảm một nửa xuống khoảng 34 tỷ USD vào năm 2021 so với năm trước.
Dù vậy, Huawei vẫn đạt được bước đột phá trong chip AI và tiếp tục tiến lên bất chấp các hạn chế bổ sung của Mỹ vào năm 2020, cắt đứt quan hệ với nhà sản xuất chip TSMC. Một năm trước đó, Huawei chính thức ra mắt chip xử lý AI Ascend 910 như một phần của chiến lược xây dựng "danh mục AI toàn diện, đa kịch bản" và trở thành nhà cung cấp sức mạnh tính toán AI. Nhưng việc Mỹ nhắm vào Huawei cũng biến công ty này thành một "người hùng" tại Trung Quốc, đặc biệt sau vụ bắt giữ Meng Wanzhou, CFO của Huawei và con gái của Ren, vào năm 2018 tại Canada vì cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Iran.
Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung mở rộng và các hạn chế về chip tiên tiến được áp đặt lên Trung Quốc, Huawei trở thành lựa chọn hiển nhiên để trở thành nhà vô địch quốc gia trong cuộc đua AI, với sự thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. "Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã vô tình đẩy Huawei vào vòng tay của chính phủ Trung Quốc theo cách mà CEO Ren Zhengfei luôn phản đối", ông Triolo giải thích. Theo cách này, các hạn chế cũng trở thành "liều doping" cho phần cứng và phần mềm AI của Huawei.
Sự trở lại ấn tượng
Sau một năm nữa doanh số mảng tiêu dùng sụt giảm, đơn vị này bắt đầu phục hồi vào năm 2023 với việc ra mắt mẫu chiếc điện thoại thông minh được các nhà phân tích cho rằng có chứa chip tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc. Chip 5G này gây sốc cho nhiều người ở Mỹ, những người không ngờ Huawei có thể đạt được mức độ tiến bộ nhanh như vậy mà không có TSMC.
CEO Nvidia trong chuyến đi đến Bắc Kinh gần đây không ngớt lời khen ngợi Huawei, nói rằng bất kỳ ai xem nhẹ Huawei hay năng lực sản xuất của Trung Quốc đều quá ngây thơ.
Thay vào đó, Huawei được cho là đã hợp tác với nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC, một công ty cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Dù các nhà phân tích bán dẫn cho rằng quy mô sản xuất chip của Huawei và SMIC bị hạn chế nghiêm trọng, Huawei vẫn chứng minh họ đã trở lại cuộc chơi chip tiên tiến.
Cũng vào thời điểm này, các báo cáo bắt đầu xuất hiện về chip xử lý AI mới của Huawei, Ascend 910B, với việc công ty tận dụng khoảng trống do các lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với chip tiên tiến nhất của Nvidia để lại. Việc sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo 910C được cho là đã bắt đầu. Để lấp đầy khoảng trống của Nvidia, Huawei "đã đạt được những bước tiến lớn trong việc tái tạo hiệu suất của các GPU cao cấp bằng cách kết hợp các chip thấp hơn", đối tác quản lý tại TechMoat Consulting, Jeffrey Towson, cho biết.
Vào tháng 4, Huawei ra mắt "AI CloudMatrix 384", một hệ thống kết nối 384 chip Ascend 910C trong một cụm tại các trung tâm dữ liệu. Các nhà phân tích cho rằng CloudMatrix có thể vượt trội hơn hệ thống GB200 NVL72 của Nvidia ở một số chỉ số. Theo các nhà phân tích của Forrester cho biết trong một báo cáo gần đây về CloudMatrix, Huawei không chỉ đang bắt kịp, "mà còn đang định hình lại cách cơ sở hạ tầng AI hoạt động".
Huawei cũng đã phát triển hệ thống phần mềm "CANN" của riêng mình, thay thế cho CUDA của Nvidia. "Chiến thắng trong cuộc đua AI không chỉ là về chip nhanh hơn. Nó còn bao gồm việc cung cấp các công cụ mà các nhà phát triển cần để xây dựng và triển khai các mô hình quy mô lớn", báo cáo của Forrester cho biết, dù lưu ý rằng các sản phẩm của Huawei vẫn chưa tích hợp đủ với các công cụ phổ biến để các nhà phát triển chuyển đổi nhanh chóng từ Nvidia.
Chiến lược hệ sinh thái Ascend
Mặc dù mục tiêu vượt qua Nvidia được xem là một bước phát triển quan trọng trong cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ, cần lưu ý rằng chip chỉ là một phần trong kế hoạch AI rộng lớn của Huawei. Huawei hiện tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị AI, từ chip, tính toán, đến mô hình AI và ứng dụng AI.
Huawei xây dựng hệ sinh thái quanh dòng chip Ascend 910.
Những mảng kinh doanh AI này cũng tận dụng các lĩnh vực khác trong đế chế công nghệ rộng lớn của công ty. Thực tế, mảng "Cơ sở hạ tầng ICT" - bao gồm triển khai mạng di động 5.5G và các hệ thống AI cho công nghiệp - đã trở thành nguồn thu lớn nhất của công ty với 362 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 51 tỷ đô la Mỹ) trong năm 2023.
Huawei đã triển khai chip AI Ascend và AI CloudMatrix 384 tại danh mục trung tâm dữ liệu AI ngày càng tăng, được vận hành bởi đơn vị điện toán đám mây Huawei Cloud, thành lập năm 2017 để cạnh tranh với Amazon Web Services và Oracle. Các trung tâm dữ liệu này cung cấp khả năng huấn luyện và sức mạnh tính toán cho bộ mô hình AI Pangu của Huawei.
Không giống các mô hình AI đa năng như GPT-4 của OpenAI hay Gemini Ultra 1.0 của Google, mô hình Pangu của Huawei được thiết kế để hỗ trợ các ứng dụng đặc thù cho các ngành y tế, tài chính, chính phủ, công nghiệp và ô tô. Huawei cho biết Pangu đã được áp dụng trong hơn 20 ngành trong năm qua.
Việc triển khai các ứng dụng AI này thường yêu cầu nhân viên kỹ thuật của Huawei làm việc hàng tháng tại các địa điểm dự án, kể cả ở những mỏ than xa xôi. Nghiên cứu đó đã giúp công ty triển khai hơn 100 xe tải chạy điện tự động vận chuyển đất hoặc than bằng mạng 5G, AI và dịch vụ điện toán đám mây của Huawei vào tháng 5. Công nghệ này có thể được nhân rộng trên quy mô lớn ở Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương.
Huawei cũng đã mã nguồn mở các mô hình Pangu, một động thái được cho là sẽ giúp công ty mở rộng ra nước ngoài và thúc đẩy "chiến lược hệ sinh thái Ascend", ám chỉ các sản phẩm AI xây dựng quanh chip Ascend.
Nhà phân tích Patrick Moorhead từ Moor Insights & Strategy dự báo Huawei sẽ đẩy mạnh chip Ascend tại các quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - một dự án đầu tư và phát triển nhắm đến các thị trường mới nổi. Trong 5 đến 10 năm, công ty có thể bắt đầu xây dựng thị phần đáng kể tại các quốc gia này, tương tự như cách họ đã làm với mảng viễn thông trước đây.
Đức Bình