Theo Ban QLDA Đường HCM, ngoài 2,7 triệu m3 đất đắp trên, một số đoạn còn lại sẽ tận dụng nguồn đất đào từ công trình để điều phối đắp nền, không phát sinh thêm nhu cầu vật liệu san lấp.
Các mỏ vật liệu đất san lấp đã được cấp phép trên địa bàn thành phố sẽ đáp ứng đủ nhu cấp nguồn vật liệu đắp nền cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố sẽ có 45 khu vực được quy hoạch để thăm dò, khai thác, với tổng diện tích hơn 1.036ha và tổng trữ lượng tiềm năng 102,5 triệu m3.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, hiện nay trên địa thành phố có 32 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 18 mỏ đá, 13 mỏ đất làm vật liệu san lấp. Diện tích đất làm vật liệu san lấp là 153.485 ha, tổng trữ lượng còn lại hơn 20,6 triệu m3, công suất có khả năng cung cấp khoảng 3 triệu m3/năm.
Bên cạnh đó, có 13 tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đang hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện khai thác, với tổng trữ lượng hơn 50 triệu m3.
Dự án có khoảng 76km sẽ được mở rộng từ 2 làn đường lên 4 làn, với chiều rộng từ 22 đến 23 mét.
Ghi nhận của phóng viên, tại phường Kim Long, UBND thành phố đã cấp phép khai thác vật liệu san lấp cho 1 doanh nghiệp với công suất khai thác 100.000 m3/năm. Ở khu vực phường Thanh Thủy, phường Hương Thủy có 6 mỏ đang hoạt động khai thác với diện tích 70,15 ha, trữ lượng còn lại hơn 13,12 triệu m3 và công suất 1,70 triệu m3/năm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế xác nhận, với các mỏ vật liệu đất san lấp đã được cấp phép trên địa bàn thành phố sẽ đáp ứng đủ nhu cấp nguồn vật liệu đắp nền cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và một số dự án trọng điểm trên địa bàn.
Khi các dự án cần thêm nguồn đất làm vật liệu san lấp, các chủ mỏ có thể đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND thành phố xin nâng thêm công suất khai thác trong năm để đảm bảo nhu cầu cấp cung cấp cho dự án.
Trên tuyến đã có 21km đường hoàn thiện theo tiêu chuẩn 4 làn xe.
Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị kế hoạch đấu giá một số khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp, ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND TP Huế đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường cần rà soát công suất khai thác tại các mỏ đã được cấp phép, đồng thời chuẩn bị kế hoạch đấu giá một số khu vực mỏ theo quy hoạch và hoàn thiện thủ tục để đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trên địa bàn.
Ông Phan Quý Phương nhấn mạnh, phải chủ động nguồn cung vật liệu đất đắp cho dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngay sau khi dự án khởi công.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,7km đi qua địa bàn Quảng Trị và TP Huế. Điểm đầu tại Km 0+00 giao Quốc lộ 9 tiếp giáp với điểm cuối dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Điểm cuối tại khoảng Km 102+200, tiếp giáp với điểm đầu cao tốc La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc, TP Huế).
Công trình đưa vào khai thác từ cuối năm 2022 với quy mô phân kỳ đầu tư 2 làn xe, không có dải phân cách cứng ở giữa. Riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn đồng bộ lên 4 làn xe tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng. Đoạn qua TP Huế sẽ giữ nguyên 4 nút giao và bổ sung thêm 2 nút giao mới ở đoạn Tỉnh lộ 16 tại Km 65+300 với nút giao ở Tỉnh lộ 12B tại Km 72+370, nâng tổng số nút giao lên 7.
Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thông tin, đã làm việc với các địa phương có dự án đi qua để hiện hoàn thiện phương án bố trí nguồn vật liệu, chuẩn bị trước vị trí trạm trộn, bãi tập kết vật liệu, bãi vật liệu thải, tập kết phương tiện máy móc và dự kiến các mũi thi công… Các hạng mục sẽ sẵn sàng thi công ngay sau lễ khởi công nhằm đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Trí Đức