Đã bố trí đủ vốn để thực hiện dự án
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban QLDA cải thiện môi trường nước TP Huế (chủ đầu tư dự án) cho biết, theo thỏa thuận vay của dự án đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2024.
Ngoài ra, do tỷ giá đồng ngoại tệ JPY giảm mạnh, sau khi giải ngân hết nguồn vốn ODA, tổng số vốn còn thiếu hơn 200 tỷ đồng. Nhằm để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục công việc còn lại, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Nhà thầu thi công dải phân cách dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP Huế).
Theo ông Anh, dự án triển khai hạng mục bổ sung, sử dụng phần vốn kết dư gần 1.400 tỷ đồng, được đối tác Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư, giao UBND TP Huế lập phương án đầu tư.
Cụ thể, các hạng mục đầu tư như, dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý; dự án thoát nước, vỉa hè đường Phạm Văn Đồng; kè khu C - Khu đô thị An Vân Dương; hệ thống thu nước thải Khu đô thị An Vân Dương; xây dựng kè hói Long Thọ… với tổng giá trị xây lắp gần 1.200 tỷ đồng.
Tập trung thi công vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng để sớm hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh cho biết, công trình khởi công vào tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2024. Dự án đến nay đạt khoảng 90% tổng giá trị xây lắp. Nguyên nhân chậm tiến độ, do thiếu vốn và tỷ giá đồng ngoại tệ JPY giảm mạnh (giảm khoảng 24% so với thời gian phê duyệt dự án) làm nguồn vốn ODA của dự án bị thiếu hụt.
Ban QLDA cải thiện môi trường nước TP Huế cho biết, sau một thời gian chờ vốn, dự án ngừng thi công, đến nay UBND TP Huế đã bố trí đủ nguồn vốn, dự án đang triển khai trở lại. Dự kiến đến khoảng 30/8/2025 công trình sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn vướng 5 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng quá trình thi công dự án.
Nhà thầu cam kết về đích trước 30/8
Ghi nhận của phóng viên Báo Xây dựng tại công trình chỉnh trang vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước đường Phạm Văn Đồng đang được thi công trở lại. Các nhà thầu bắt đầu đẩy nhanh tiến độ, các hạng mục chính cơ bản được hoàn thiện. Dọc tuyến đường đã được nhà thầu thảm lớp nhựa đầu tiên và đang tập trung lắp dải phân cách, thi công vỉa hè và hệ thống điện chiếu sáng.
Phối cảnh bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2 giáp với Đập Đá (TP Huế).
Theo thiết kế, công trình nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Đồng có chiều dài hơn 2,6km, rộng 36m. Trong đó, mặt đường sẽ rộng 26m được đầu tư đường cấp cao thảm bê tông nhựa, rãnh vỉa bằng bê tông xi măng. Tải trọng thiết kế bề mặt đạt chuẩn, phù hợp với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng. Hiện, dự án đã đạt hơn 60% khối lượng công việc.
Ông Trần Khôi, người dân sống dọc đường Phạm Văn Đồng nói: Dự án mở rộng đường rất được người dân đồng tình, vui mừng. Tuy nhiên, việc thi công kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và kinh doanh của nhiều hộ dân dọc tuyến đường. Từ ngày tuyến đường bị đào xới thi công, người dân đi lại rất bất tiện. Người dân rất mong nhà thầu đẩy nhanh tiến độ tiến độ, sớm hoàn thành dự án, để người dân thuận lợi trong đi lại, kinh doanh, buôn bán.
Dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý, từ Đập Đá đến cầu Vân Dương (TP Huế) có chiều dài gần 1,6km.
Tại dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý, từ Đập Đá đến cầu Vân Dương (TP Huế) có chiều dài gần 1,6km, rộng 6m, với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng. Tuyến đường được lát đá granite, lan can bằng thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Toàn tuyến có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2 giáp với Đập Đá, cầu vòm dài 36m bắc qua hói Phát Lát và có 11 bến nước.
Tại công trình nhiều hạng mục cơ bản đã thi công hoàn thành, nhà thầu đang tiếp tục lắp lan can đoạn cuối tuyến và hoàn thiện một số hạng mục còn lại.
Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế do JICA tài trợ, với tổng vốn thực hiện hơn 24 tỷ Yên Nhật (hơn 5.100 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ODA 20,883 tỷ Yên (khoảng hơn 4.300 tỷ đồng), vốn đối ứng (667,2 tỷ đồng). Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2008 đến 30/6/2024, do UBND TP Huế làm chủ đầu tư.
Dự án giai đoạn 1, được thực hiện trên địa bàn 11 phường ở khu vực phía Nam TP Huế (nay là quận Thuận Hóa), thời gian từ tháng 8/2015 và đã hoàn thành trong năm 2020.
Mục tiêu dự án nhằm tăng cường năng lực thoát nước, giảm nhẹ thiên tai do ngập úng và thực hiện thu gom, xử lý nước thải cho khu vực Nam sông Hương. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường. Nâng cao sức khỏe cộng đồng, hạn chế nguồn phát sinh dịch bệnh…
Trí Đức