Giữ gìn quá khứ để hướng tới tương lai
Thời gian và chiến tranh để lại cho Thừa Thiên Huế đống di sản hoang tàn và đổ nát, nhưng cũng từ đó mảnh đất này đã bền bỉ vươn lên trở thành biểu tượng nổi bật trong công tác bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế và tự tin hướng tới việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bằng chính thế mạnh văn hóa riêng có của mình. Đây chính là sự minh định của Huế trên con đường phát triển hướng tới tương lai.
Còn nhớ, trong thông điệp chúc mừng gửi đến Lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - 2023) được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, Ngài Lazare Eloundou Assomo - Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO – đã nhấn mạnh rằng: “Kể từ khi Huế được công nhận là di sản thế giới cách đây 30 năm, thế giới đã vô cùng ấn tượng với hành trình của Huế, nơi minh chứng không chỉ thành tựu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản thế giới, mà còn là biểu tượng cho sự tái sinh của Việt Nam. Bước ra từ gian khổ và những tàn phá sau hàng thập kỷ chiến tranh, Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế”.
Sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Ảnh: Thanh Hòa
Đánh giá của Ngài Lazare Eloundou Assomo vừa là lời khẳng định và cũng là sự sẻ chia trước những nỗ lực không biết mệt mỏi của Huế đối với công cuộc gìn giữ di sản của quốc gia, của nhân loại. Trọng trách ấy không chỉ của riêng ai mà chính là của mỗi người dân Huế, những người gánh vác sứ mệnh gìn giữ kho báu của tiền nhân để lại.
Được sự hỗ trợ tích cực của UNESCO, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự vào cuộc đầy quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai liên tục, bền bỉ và đạt được nhiều kết quả to lớn. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đến nay đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục.
Tính từ năm 1981, khi UNESCO ra lời kêu gọi cứu vãn, bảo tồn và khôi phục các giá trị của di sản văn hóa Huế, đến nay đã có khoảng hơn 130 công trình di tích lớn nhỏ được đầu tư trùng tu, bảo tồn; cơ sở hạ tầng các khu di tích cũng được chỉnh trang, tu sửa. Và mới đây nhất là hai công trình đặc biệt là điện Kiến Trung và điện Thái Hòa đã được trùng tu, phục hồi một cách ngoạn mục.
Mấy chục năm nhìn lại có thể thấy công cuộc bảo tồn văn hóa của Huế đang đi đúng con đường xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Những thành quả ấy chính là một kì tích riêng có của Huế, tạo thành nền tảng, cơ sở đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo con đường đi riêng đầy độc đáo của mình.
Đi lên bằng chính thế mạnh của mình
Huế là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, từ một vùng đất biên viễn nổi danh là xứ “Ô Châu ác địa” biến thành một trung tâm đô thị và văn minh mới của người Việt trên con đường mở đất về phương Nam từ thế kỷ XVII - XVIII với tư cách là thủ phủ của Đàng Trong (1636-1774), trở thành kinh đô của đất nước dưới hai triều đại Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945), rồi thành cố đô cuối cùng còn được bảo lưu nguyên vẹn nhất tại Việt Nam.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế được xem là một hướng đi phù hợp, giúp phát huy được thế mạnh và tính đặc thù riêng có của Huế. Và đây cũng chính là cách để Huế đi lên bằng chính thế mạnh của mình, hoàn toàn phù hợp với định hướng của Trung ương.
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cho đến nay, Cố đô Huế là một trong những đô thị có quỹ kiến trúc di sản giàu có nhất không chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Vì vậy, Thừa Thiên Huế xứng đáng để xây dựng trở thành một thành phố/đô thị di sản đặc thù.
Quang cảnh sông Hương. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải
Với thế mạnh riêng có, trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai Nghị quyết bằng các Chương trình hành động cụ thể và đến thời điểm này đã hội đủ các điều kiện, tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước thông qua.
Việc thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có những tác động tích cực không chỉ với bản thân địa phương mà còn các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung. Theo đó, Huế cùng với Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm kết nối giữa các tỉnh lân cận và các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung; vừa tạo ra động lực và sức bật mới cho sự phát triển mới của các tỉnh, của vùng, cho đất nước; vừa góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển vùng và Chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Một khi Huế phát triển, các địa phương lân cận cũng như các địa phương trong vùng cũng sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng lưu lượng thương mại và đầu tư. Mặt khác, thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng có thể phát huy vai trò đầu tàu trong việc liên kết và phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh như Huế - Đà Nẵng - Hội An hoặc Huế - Quảng Bình (Phong Nha - Kẻ Bàng), thu hút nhiều khách du lịch hơn đến với toàn khu vực; giúp các địa phương cùng tận dụng lợi thế từ sự gia tăng của du khách quốc tế; thúc đẩy du lịch và văn hóa liên vùng.
Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn đổi mới của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, là động lực, nguồn lực và là niềm tự hào để Thừa Thiên Huế phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc cố đô, phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng và cả nước.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định: “Phấn đấu để được công nhận là thành phố thứ 6 của cả nước trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn phát huy di sản Cố đô, Huế càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản để tương xứng với vị thế mới, vai trò mới. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, doanh nghiệp. Huế sẽ không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, một thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn được những giá trị truyền thống và phát triển bền vững…”.
Thanh Hòa