Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, từ năm 2025 đến năm 2031, Thành phố Huế dự kiến triển khai trồng rừng thay thế trên tổng diện tích khoảng 70 ha. Trong đó có 5 ha rừng phòng hộ và 65 ha rừng sản xuất. Việc phân bổ cụ thể sẽ được triển khai tại ba địa điểm thuộc các xã Chân Mây - Lăng Cô, Nam Đông và A Lưới.
Tại xã Chân Mây - Lăng Cô, diện tích trồng rừng được bố trí ở khoảnh 4 và 6, tiểu khu 248, nằm trong quy hoạch rừng sản xuất. Tại xã Nam Đông, rừng được trồng ở khoảnh 14 tiểu khu 378 và khoảnh 10 tiểu khu 379, cũng thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Riêng xã A Lưới sẽ có diện tích rừng được trồng tại khoảnh 6, 7 tiểu khu 337 và khoảnh 5, 8 tiểu khu 338, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
UBND thành phố Huế giao các đơn vị chủ đầu tư phối hợp tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định. Đơn vị tư vấn có nhiệm vụ khảo sát, điều tra hiện trạng tại thực địa để xác định biện pháp kỹ thuật cụ thể, từ đó lập thiết kế và dự toán trồng rừng.
Thành phố Huế kỳ vọng sẽ duy trì ổn định độ che phủ rừng, đồng thời sử dụng hiệu quả diện tích đất chuyển đổi, đáp ứng các mục tiêu phát triển xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Đáng chú ý, kế hoạch yêu cầu căn cứ vào điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng sinh thái và đặc tính của loài cây được chọn để bố trí mùa vụ trồng rừng phù hợp. Hai mùa vụ trồng rừng chủ yếu sẽ diễn ra vào vụ Thu Đông và vụ Đông Xuân.
Về lựa chọn loài cây trồng, thành phố định hướng rõ ràng cho hai loại rừng: phòng hộ và sản xuất. Với rừng phòng hộ, các loài cây được chọn cần phù hợp với điều kiện lập địa, ưu tiên cây bản địa, đặc biệt là cây lim xanh hoặc những loài cây nhập nội đã được trồng lâu năm, có khả năng sinh trưởng tốt trong hệ sinh thái địa phương. Các cây được chọn cần có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển mạnh và tuổi thọ cao, nhằm tăng hiệu quả che phủ và bảo vệ đất.
Đối với rừng sản xuất, kế hoạch nhấn mạnh việc lựa chọn các loài cây phù hợp với mục đích kinh doanh gỗ và điều kiện đất đai tại nơi trồng. Trong số đó, lim xanh tiếp tục được ưu tiên bố trí trên các lập địa phù hợp, vừa nhằm gia tăng giá trị kinh tế lâu dài vừa hỗ trợ giữ gìn giống cây gỗ quý.
Lim xanh (tên khoa học Erythrophleum fordii) là loài cây gỗ lớn thuộc họ vang. Cây có đặc điểm thường xanh quanh năm, thân thẳng, có thể cao trên 30 mét. Đây là một trong những loài cây cận đặc hữu của Việt Nam, mọc tập trung tại các tỉnh vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và rải rác ở một số địa phương Nam Trung Bộ. Ngoài ra, lim xanh cũng được phát hiện tại một số vùng ở miền nam Trung Quốc.
Giá trị của lim xanh không chỉ nằm ở mặt kinh tế do gỗ thuộc nhóm quý, mà còn có vai trò sinh thái quan trọng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn và cải thiện chất lượng đất. Vì vậy, việc ưu tiên trồng lim xanh trong cả hai loại rừng cho thấy sự kết hợp giữa phát triển bền vững và bảo tồn sinh học của thành phố Huế trong giai đoạn dài hạn.
Hiện nay, các bước khảo sát và lập dự toán đang được các đơn vị liên quan xúc tiến, nhằm đảm bảo công tác trồng rừng thay thế diễn ra đúng tiến độ, phù hợp với từng địa hình cụ thể. Qua đó, Thành phố Huế kỳ vọng sẽ duy trì ổn định độ che phủ rừng, đồng thời sử dụng hiệu quả diện tích đất chuyển đổi, đáp ứng các mục tiêu phát triển xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Nguyễn Thuấn