Tháng 12/2022, chỉ 6 tuần sau khi Elon Musk mua lại Twitter, ông đã triệu tập các giám đốc tài chính họp khẩn. Dù Twitter đã sa thải hơn 3/4 nhân viên, từ khoảng 8.000 xuống còn hơn 1.500 người, Musk cho rằng chi tiêu của công ty vẫn vượt kiểm soát.
Trong suốt 6 giờ, ông rà soát từng dòng và yêu cầu nhân viên giải trình từng khoản chi. Musk ra lệnh cắt giảm hoàn toàn một số khoản như dịch vụ xe hơi cho giám đốc. Ông còn đối chất với nhân viên phụ trách hợp đồng bảo mật web trị giá hàng triệu USD, so sánh rằng Tesla tốn ít hơn cho cùng một đầu việc. Khi phản đối, nhân viên bị cho thôi việc ngay tại chỗ.
Mang triết lý “thắt lưng buộc bụng” vào Nhà Trắng
Cuộc họp này phản ánh rõ triết lý của Musk trong việc cắt giảm chi phí. 3 thập kỷ qua, vị tỷ phú luôn cắt giảm mạnh tay, không để tâm đến các chuẩn mực và quy trình thông thường, sẵn sàng chịu đựng nếu cung ứng gián đoạn và sẽ giải quyết các vấn đề nảy sinh sau đó. Triết lý “thà cắt nhiều hơn là bỏ sót” được ông áp dụng không chỉ tại Twitter mà còn ở Tesla và SpaceX.
“Ông từng là một vị thần. Nhưng thực ra ông ấy chỉ là một doanh nhân. Ông ấy muốn cắt giảm đến tận xương”, Jim Cantrell, cựu phó chủ tịch phát triển kinh doanh của SpaceX, nói.
Sắp tới, Musk sẽ mang những chiến lược cắt giảm đến khắc khổ này vào chính phủ Mỹ, theo New York Times. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bổ nhiệm CEO Tesla và Vivek Ramaswamy lãnh đạo một cơ quan mới có tên là “Bộ Hiệu suất Chính phủ” với mục tiêu cắt giảm mạnh chi tiêu của các cơ quan liên bang.
Ông Trump kỳ vọng bộ phận này sẽ thay đổi hoàn toàn bộ máy chính phủ thông qua việc cắt giảm mạnh tay các cơ quan, đến ngày Quốc khánh Mỹ 2026.
Có vẻ như Musk rất hứng thú với nhiệm vụ này. Ông liên tục đăng trên X về sự lãng phí của chính phủ. “Quy mô lãng phí của chính phủ thật là đáng kinh ngạc!”, ông viết hôm 13/11.
Musk cũng công khai ý định cắt giảm 2.000 tỷ USD, tức 30% ngân sách hàng năm của Mỹ. Ông từng đề xuất nhân viên chính phủ nên gửi báo cáo hàng tuần về các thành tựu để chứng minh vai trò của mình. Ý tưởng của Musk là chính phủ chỉ cần 99 cơ quan, không phải hơn 400 như hiện nay.
Elon Musk đã được Tổng thống đắc cử Donald J. Trump bổ nhiệm để giúp lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ mới. Ảnh: New York Times.
Quan điểm của Musk là các vấn đề có thể được khắc phục sau, miễn là hiện tại ông đạt được mục tiêu tiết kiệm tiền. Điều này đã giúp ông đẩy Tesla và SpaceX vượt qua khó khăn tài chính, xây dựng các vị thế dẫn đầu trong ngành ôtô điện và hàng không vũ trụ, đồng thời hồi sinh những công ty này từ bờ vực phá sản.
Tại X, Musk đã bắt tay vào chiến dịch siêu “thắt lưng buộc bụng”. Ông sa thải hàng loạt, phớt lờ hóa đơn thanh toán thuê văn phòng và thậm chí tự mình ngắt máy chủ để đóng cửa trung tâm dữ liệu nhằm giảm chi phí thuê. Các nhân viên, nhà phân tích và người dùng dự đoán việc cắt giảm chi phí sẽ làm sập nền tảng xã hội, nhưng cho đến nay X vẫn tiếp tục hoạt động.
Song, việc giảm chi tiêu tại X, Tesla và SpaceX không giống với việc cắt giảm chi tiêu quốc gia, theo New York Times. Nó vốn bị chi phối bởi nhiều luật lệ và quy trình phức tạp. Quốc hội mới là nơi quyết định ngân sách liên bang. Bất kỳ sự cắt giảm lớn nào cũng có thể ảnh hưởng đến các chương trình an sinh xã hội, gây phản ứng từ các nhóm lợi ích.
Tuy vậy, thành công của Musk khi giảm chi phí ở các công ty càng củng cố niềm tin của ông vào khả năng cải thiện hiệu quả của mình. “Tôi khá giỏi trong việc cải thiện hiệu suất”, ông nói trong một podcast tháng 11.
“Thà cắt giảm nhầm còn hơn bỏ sót”
Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Musk đã rất "dị ứng" với chi phí. Năm 1995, khi lập công ty phần mềm Zip2, ông ngủ tại văn phòng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Sau khi bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002, Musk dành 100 triệu USD để thành lập SpaceX, tin rằng ông có thể chế tạo một tên lửa rẻ hơn chính phủ Mỹ.
SpaceX đã loại bỏ các linh kiện không cần thiết và đơn giản hóa cấu trúc để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ sản xuất. SpaceX cuối cùng đã xây dựng các thùng chứa từ những cuộn thép và hàn chúng lại với nhau, tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD.
Khi SpaceX mua lại các bộ điều khiển cơ học từ nhà cung cấp linh kiện không gian Moog, Elon Musk đã yêu cầu giảm giá đến 90%. Khi bị từ chối, SpaceX tự sản xuất phần lớn linh kiện của mình.
Tháng 4, Musk đã mời lại nhân viên Tesla xây dựng các trạm sạc về nước, vài tuần sau khi sa thải toàn bộ 500 người họ. Ảnh: New York Times.
Quyết sách này giúp SpaceX giảm đáng kể chi phí sản xuất, biến hãng thành một trong những công ty hàng đầu trong ngành không gian. Start-up đã phát triển thành công Falcon 9, tên lửa có chi phí sản xuất chỉ khoảng 550 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 4 tỷ USD mà NASA ước tính nếu tự phát triển.
Tại Tesla, Musk cũng áp dụng các biện pháp tương tự để giúp công ty đạt được lợi nhuận. Khi Tesla giới thiệu dòng xe Model X vào năm 2015, Musk đã cắt bỏ các khoản chi nhỏ như ngũ cốc miễn phí trong văn phòng để tỏ rõ công ty sẽ không ngại cắt giảm bất cứ điều gì nhằm đảm bảo tài chính.
Một số biện pháp của Musk có thể đã gây rủi ro cho an toàn của xe Tesla. Từ năm 2021, ông từ chối sử dụng cảm biến radar cho công nghệ tự lái, chỉ dựa vào camera. Camera có chi phí rẻ 1/5 so với cảm biến radar, nhưng các công ty xe tự hành khác như Waymo vẫn sử dụng cảm biến radar và lidar bên cạnh camera.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹđang điều tra xem liệu hệ thống tự lái bằng camera của Tesla có phải là nguyên nhân gây ra 4 vụ va chạm hay không. Ảnh: Sở cảnh sát Nam Jordan.
Nạn nhân của các vụ tai nạn đã kiện Tesla, cho rằng công nghệ của hãng không nhận diện được các biển báo, xe cộ và các vật cản khác, dẫn đến tai nạn và thương vong. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đang điều tra liệu hệ thống tự lái dựa trên camera của Tesla có phải là nguyên nhân của 4 vụ va chạm, trong đó có một vụ tử vong.
Theo New York Times, động thái cắt giảm khắc nghiệt nhất của Musk là ở Twitter. Ngay khi hoàn tất việc mua lại Twitter vào tháng 10/2022, Musk sa thải 4 giám đốc cấp cao để tiết kiệm 128 triệu USD tiền bồi thường. Ông yêu cầu sa thải hàng loạt nhân viên trước hạn chót trả thưởng công ty vào tháng 11.
Vị tỷ phú cắt giảm nhân sự và chi phí đến mức làm cho công ty “mất đi nhiều kiến thức nội bộ”, theo lời của Eddie Perez, người từng lãnh đạo đội ngũ toàn vẹn nhân sự của Twitter. Nhưng với Musk, không có chi tiết nào là quá nhỏ bé để có thể thoát khỏi vòng tiết kiệm chi phí.
Cuối năm 2022, Musk ngừng chi trả dịch vụ vệ sinh tại văn phòng Twitter. Hành động này dẫn đến tình trạng thùng rác tràn ngập văn phòng và nhà vệ sinh không có giấy. Một nhân viên tại văn phòng New York thậm chí đã mang giấy vệ sinh đến để sử dụng tạm trong các buồng vệ sinh.
Thúy Liên