Hưng Yên: Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí

Hưng Yên: Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí
4 giờ trướcBài gốc
Sản xuất tại Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp TOYOTA Việt Nam. Ảnh: Lạc Hồng
Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm
Theo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, ngành cơ khí của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm. Các lĩnh vực sản xuất như luyện cán thép, đúc hợp kim và chế tạo động cơ nhanh chóng phát triển. Trong đó, 3 phân ngành chính là xe máy và phụ tùng xe máy; cơ khí gia dụng; ô tô - phụ tùng ô tô đã trở thành những lĩnh vực trọng điểm.
Theo thống kê, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh đã được nâng cao, đáp ứng khoảng 85 - 90% nhu cầu linh kiện cho sản xuất xe máy và 15 - 40% nhu cầu cho ngành ô tô. Điều này cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ trong công tác sản xuất, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Sản xuất tại Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp TOYOTA Việt Nam tại khu Công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Lạc Hồng
Bên cạnh đó, nhu cầu gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành cơ khí tại địa phương, khi Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các sản phẩm cơ khí.
Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí của tỉnh có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp FDI, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo các nhà máy công nghiệp... Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Ding Hong, Công ty CP Khuôn mẫu TOMOCO Việt Nam.
Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Việt Nam.
Rào cản từ nguồn cung ứng vật liệu
Bên cạnh những cơ hội, ngành cơ khí tại Hưng Yên vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nổi bật nhất là việc thiếu hụt nguồn cung ứng vật liệu sản xuất. Các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn vật liệu nhập khẩu và gặp nhiều rào cản trong vận chuyển và chi phí. Điều này không chỉ làm gia tăng giá thành sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí địa phương.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Toyota Việt Nam, tại khu Công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Minh Phương
Một vấn đề đáng lưu ý khác là các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh phần lớn chưa tự chủ được về nguồn vốn. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các tập đoàn lớn nước ngoài, đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Điều này đã tạo ra sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận công nghệ và vốn đầu tư; đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ hợp lý hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, cần tăng cường một số giải pháp đồng bộ. Trước hết là có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Việc kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các tập đoàn lớn quốc tế là hết sức cần thiết, giúp họ tiếp cận công nghệ mới và cải tiến quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ từ phía chính quyền cũng rất quan trọng; cần có những chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh có thể tiếp cận với nhiều bạn hàng lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp gia tăng doanh thu cho các doanh nghiệp mà còn tạo ra động lực cho sự phát triển bền vững của ngành cơ khí.
Được biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí nói riêng, Hưng Yên đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường, giá, nhà sản xuất… nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí. Cùng với đó, xây dựng những chính sách về vay vốn, thuế… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho ngành này.
Theo định hướng của Hưng Yên, đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…
Bạch Hạc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/hung-yen-chu-trong-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-nganh-co-khi-post397473.html