Các đại biểu dự cuộc họp
Theo rà soát của các huyện, thị xã, thành phố, hiện nay, tổng số hộ người có công có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà là 2.076 hộ; tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở là 741 hộ. Thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các địa phương đã nỗ lực, tích cực vào cuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã cung cấp thông tin tài khoản và đầu mối phụ trách tiếp nhận nguồn ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh; xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức phát động ủng hộ Chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2025”… Sở Xây dựng ban hành công văn gửi UBND cấp huyện giới thiệu các mẫu thiết kế nhà ở điển hình để người dân tham khảo lựa chọn khi đầu tư xây dựng nhà ở… Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên tăng cường tuyên truyền về việc triển khai, thực hiện mục đích, ý nghĩa của Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Tỉnh phấn đấu hoàn thành việc thi công xây dựng toàn bộ số nhà tạm, nhà dột nát được phê duyệt hỗ trợ trước ngày 15/11/2025.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã thảo luận, kiến nghị các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; đóng góp ý kiến vào các văn bản: dự thảo Kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2025; dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2025...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước để động viên người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… vươn lên trong cuộc sống. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý việc triển khai, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng. Về đối tượng hỗ trợ, ngoài người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, cần xem xét, bổ sung hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở… Việc xác định điều kiện, tiêu chuẩn của các đối tượng phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng, không để trục lợi chính sách. Về nguồn kinh phí hỗ trợ, ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, cần tính toán từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn quỹ hợp pháp và kêu gọi, huy động nguồn lực bảo đảm hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trong mức cao nhất. Ngoài ra, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, huy động hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình… Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan hoàn thiện kế hoạch tổ chức phát động ủng hộ Chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2025”. Các đơn vị, địa phương chủ động, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Thu Yến