Hưng Yên: Số vụ vi phạm môi trường tăng gần 200%

Hưng Yên: Số vụ vi phạm môi trường tăng gần 200%
4 giờ trướcBài gốc
Kênh, mương dẫn nước vào Trạm bơm Như Quỳnh cũng luôn trong tình trạng nước đen ngòm do ô nhiễm. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN
Tại tỉnh Hưng Yên, trong 1 tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 7 vụ vi phạm môi trường. So với cùng thời điểm năm 2024, số vụ vi phạm phát hiện tăng 4 vụ, tương đương tăng trên 130%. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành phân loại các vụ kể trên để xử lý theo mức độ vi phạm.
Tính lũy kế 4 tháng đầu năm, tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 44 vụ vi phạm môi trường, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đã xử lý 29 vụ với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Kênh tiêu T9 thuộc địa phận huyện Văn Lâm (Hưng Yên) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN
Đơn cử, mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Văn bản số 540 /QĐ-XPHС về việc Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Dệt kim Hanosimex có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B, xã Nguyễn Văn Linh, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không có giấy phép môi trường theo quy định.
Cụ thể, Công ty Công ty CP Dệt kim Hanosimex đã được Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 83/QĐ-BQL ngày 20 tháng 4 năm 2005 thực hiện dự án xây dựng nhà máy dệt kim với mục tiêu sản xuất vải dệt kim công suất 3.000 tấn/năm; một xưởng may 10 chuyền may hàng dệt kim; công suất thiết kế dệt nhuộm 3.000 tấn/năm; xưởng may 1.300.000 sản phẩm/năm. Dự án được ngành chức năng phê duyệt đề án bảo vệ môi trường tại Quyết định số 157/STNMT ngày 11/7/2009 với quy mô, công suất sản xuất vải dệt kim quy mô 3.000 tấn/năm.
Cống xả thải của một Công ty trên địa bàn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) được nối thẳng ra kênh mương, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN
Hoạt động của cơ sở có phát sinh khí thải phải xử lý trước khi thải ra môi trường (công suất trên 1.000 m3/giờ), phát sinh chất thải nguy hại phải quản lý theo quy định, phát sinh nước thải và đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp dệt may Phố Nối. Cơ sở đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường, thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh. Dự án xây dựng nhà máy dệt kim đã lắp đặt máy móc thiết bị và vận hành từ năm 2006. Đến nay, cơ sở hoạt động mà không có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Căn cứ vào các quy định hiện hành, UBND tỉnh Hưng Yên tiến hành xử phạt chính bằng tiền với mức phạt là 320.000.000 đồng. Hình thức phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở 4,5 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định này quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, các doanh nghiệp, đơn vị bị xử phạt chủ yếu về vi phạm quản lý chất thải nguy hại; xả thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường; tiếp nhận chất thải rắn không đúng quy định; khai thác cát trái phép, vận chuyển cát gây ô nhiễm môi trường...
Mạnh Khánh/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/hung-yen-so-vu-vi-pham-moi-truong-tang-gan-200/372565.html