Kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng của UBND tỉnh Hưng Yên nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng.
Kế hoạch nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó thảm họa sập đổ công trình, nhà cao tầng (bao gồm cả sập đổ công trình, dàn giáo trong khi thi công xây dựng; sập đổ công trình nhà cao tầng...) và triển khai tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về người và tài sản; tổ chức, phân công nhiệm vụ hoạt động của các cơ quan liên quan, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi có tình huống sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình, nhà cao tầng; xác định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng tham gia ứng phó và xác định chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo sự thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động ứng phó với sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh; định hướng, chủ động cân đối kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm phương tiện, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Theo yêu cầu, kế hoạch phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ và thực hiện theo các điều khoản quy định tại Chương IV Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Kế hoạch của UBND tỉnh Hưng Yên đề ra các giải pháp thực hiện, gồm: Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh; xây dựng các tình huống giả định, phương án ứng phó và phối hợp khi xảy ra sự cố (do thiên tai, do con người, cháy, nổ...) có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện diễn tập về công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng; bảo đảm cơ chế chính sách thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ứng phó hiệu quả; khuyến khích các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường vai trò trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra các công trình đang xây dựng, các công trình có nguy cơ sập đổ theo quy định của pháp luật nhằm tránh xảy ra sự cố; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình xây dựng, nhà cao tầng và biện pháp phòng tránh; tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện, đào tạo; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh đầu tư phát triển và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Bảo đảm chỉ đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước theo thứ tự ưu tiên: Mua sắm trang thiết bị phổ thông phục vụ phương châm “bốn tại chỗ”; mua sắm trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng và cơ sở hạ tầng cho các đơn vị chuyên trách thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong từng tình huống cụ thể.
Vị Thủy