Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng Hungary Orban cho biết, năm ngoái các quốc gia thành viên EU đã thông qua một tuyên bố nhằm mục đích giảm giá khí đốt và dầu mỏ, tuy nhiên thực tế cho thấy mục tiêu này khó có thể đạt được. Châu Âu sẽ tiếp tục phải đối mặt với giá năng lượng cao và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh-AFP)
Theo Thủ tướng Orban, các nước châu Âu đang phải trả tiền năng lượng cao gấp 3 đến 5 lần so với ở Mỹ và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế của các nước EU. Sản xuất trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế của khối đã giảm từ 10% đến 15%, trong khi năng suất của EU đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu và thị phần của khối này trong thương mại quốc tế tiếp tục bị thu hẹp.
Thủ tướng Orban cũng tái khẳng định quan điểm cho rằng, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga đang gây tổn hại đến nền kinh tế của khối và đẩy giá năng lượng tăng cao. Hungary luôn ủng hộ EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và khôi phục quan hệ hợp tác kinh tế với Nga. Hiện, Budapest vẫn duy trì hợp tác với Moscow trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo các thỏa thuận dài hạn về nhập khẩu khí đốt Nga, do vậy giá năng lượng tại Hungary thường được duy trì ở mức thấp nhất so với các nước thành viên EU.
Một số chính trị gia phương Tây cũng thừa nhận các lệnh trừng phạt Nga đã phản tác dụng, gây ra những khó khăn kinh tế tại châu Âu. Trước đó, Nghị sĩ Áo Kassegger từng cảnh báo việc cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga sẽ khiến giá khí đốt tăng mạnh và lạm phát leo thang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu. Trong khi đó, cựu nghị sĩ Đức Gunnar Beck cho rằng, tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại nặng nề cho EU hơn là cho Nga.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Hungary được đưa ra trong bối cảnh, kể từ sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga, châu Âu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn từ các quốc gia khác. Giới chuyên gia cho rằng, việc EU chuẩn bị áp đặt vòng trừng phạt thứ 16 đối với Nga sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu, đồng thời khiến quan hệ Nga-EU gia tăng căng thẳng.
Như Hoa/VOV-Praha