Ý tưởng này xuất phát từ việc Hungary muốn ngăn chặn việc “lún sâu” vào cuộc xung đột hiện nay của nước này nói riêng và EU nói chung, chưa kể những hệ lụy có thể xảy ra khi quốc gia này đang chịu phụ thuộc rất lớn từ nguồn nhiên liệu của Nga mà chưa có các giải pháp thay thế. Việc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Ukraine nhằm tìm cơ hội để giải quyết các xung đột chính trị trong nội bộ Hungary khi sự ủng hộ cho Đảng đối lập đang trỗi dậy với cam kết đưa Hungary trở thành một phần của châu Âu vững mạnh và chấm dứt 15 năm cầm quyền của ông Orban. Dự kiến, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2026.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: MNA
Việc trưng cầu này cũng nhằm thuyết phục người dân và các quốc gia EU tạm thời dừng việc kết nạp Ukraine vào khối vì những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến người dân, cũng để khẳng định những động thái từ chính phủ của thủ tướng Orban là vì lợi ích của người dân cũng như ngăn chặn các nguy cơ tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai.
Trước đó, với vai trò chủ tịch luân phiên EU trong nhiệm kỳ trước, Hungary đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của nước này cho việc gia nhập của các quốc gia Balkan trước khi chấp thuận cho Ukraine. Động thái ngăn chặn Ukraine cũng thể hiện lập trường ưu tiên rõ ràng của nước này với những quốc gia thân cận trong khu vực. Bộ trưởng ngoại giao Hungary đã nhiều lần lên tiếng Liên minh châu Âu sẽ có lợi về mặt kinh tế và chiến lược từ việc hội nhập các quốc gia Tây Balkan hơn là tập trung sự ủng hộ cho Ukraine trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện tại.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến động thái này của Hungary đối với hai vấn đề liên quan tới Ukraine bao gồm viện trợ và tư cách thành viên EU xuất phát từ mâu thuẫn giữa Hungary và EU. Việc phản đối Ukraine gia nhập EU cũng là một trong những “chiêu bài” để Hungary có thể mặc cả về việc giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi từ EU đối với nước này bởi trước đó EU đã từng đóng băng hàng chục tỷ euro cho Budapest vì cẳng thẳng về nhân quyền và pháp quyền.
Các kịch bản về kết quả trưng cầu ý dân
Kết quả trưng cầu dân ý sẽ được công bố vào tháng 5/2025. Tuy nhiên, trong các cuộc thăm dò mới đây cho thấy có nhiều khả năng đa số người dân Hungary sẽ ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU. Theo các cuộc thăm dò từ phía Đảng đối lập Tisza được công bố đã chỉ ra rằng, gần 60% người Hungary ủng hộ việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu. Một cuộc khảo sát khác cho biết, khoảng 58% trong số hơn 1,1 triệu người trả lời "có" cho câu hỏi họ có ủng hộ Ukraine gia nhập EU.
Cuộc thăm dò cũng hỏi người dân liệu Hungary có nên tiếp tục là thành viên của cả Liên minh châu Âu và NATO hay không thì trong đó có 98,68% bày tỏ sự ủng hộ cho việc Hungary tiếp tục là thành viên của cả hai Liên minh này. Đáp lại động thái này, Lãnh đạo Đảng Tisza Péter Magyar tuyên bố rằng nếu đảng của ông lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2026 của Hungary, kết quả các cuộc thăm dò sẽ đóng vai trò là yếu tố nền tảng cho chính sách của chính phủ. Theo cuộc thăm dò độc lập trước đó vào ngày 7 tháng 4 của Viện Republikon, phần lớn người Hungary ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU.
Tuy nhiên, những cuộc khảo sát ý kiến này trên thực tế không mang tính ràng buộc để phải đưa quyết định cuối cùng. Bởi lẽ, chính phủ của Thủ tướng Orban đã từng tiến hành hơn chục cuộc tham vấn quốc gia kể từ năm 2010 về nhiều vấn đề, từ di cư đến quyền của cộng đồng LGBT, dù đa số được người dân ủng hộ tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay chính phủ.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra là đa số người dân không đồng ý cho việc Ukarine gia nhập EU. Dù khả năng này trong bối cảnh hiện nay chiếm tỷ lệ không cao. Tuy nhiên, nếu đạt được điều này thì chính phủ Hungary có cơ sở vững chắc để phủ quyết các đề xuất của EU với Ukraine như tinh thần của thủ tướng Orban đã khẳng định người Hungary sẽ có tiếng nói trong việc quyết định liệu họ có muốn Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu hay không. Điều này chắc chắn sẽ gây bất lợi lớn cho Kiev trong giai đoạn tới.
Theo truyền thông Hungary, các câu hỏi trưng cầu ý kiến người dân trước đây thường được diễn đạt theo cách dẫn dắt và phần lớn các câu trả lời có xu hướng phù hợp với lập trường của chính phủ vào thời điểm đó, trong khi phe đối lập và xã hội dân sự chỉ trích chúng là công cụ tuyên truyền. Ví dụ, trong cuộc tham vấn năm 2023 về vấn đề di cư, lá phiếu đã hỏi cử tri liệu họ có ủng hộ kế hoạch của Brussels nhằm tạo ra "khu ổ chuột di cư" ở Hungary hay không, đã có ít hơn 20% người tham gia nhưng đa số người dân trả lời đã bỏ phiếu "không".
Như vậy có thể thấy, cuộc trưng cầu này sẽ ván bài đánh cược liệu chính phủ của thủ tướng Orban có thể tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với EU hay không và ngăn chặn việc gia nhập của Ukraine. Đặc biệt trong bối cảnh người dân đang có xu hướng chuyển dịch sự ủng hộ cho Đảng đối lập trước thềm cuộc bầu cử vào năm tới.
Phản ứng của Hungary có thể tạo ra hiệu ứng domino?
Nếu bước đi này của Hungary thành công thì chắc chắn sẽ làm suy yếu tiếng nói chung của EU đối với sự ủng hộ của Ukraine. Điều này cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho sự thống nhất của Liên minh châu Âu và sự ủng hộ đối với Ukraine khi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc trên khắp châu Âu.
Trong giai đoạn qua, các nhà lãnh đạo ở Slovakia, Áo, Croatia và Hungary được cho là đang có liên kết nhất định với lập trường ủng hộ Moscow của Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán. Điều này cũng phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của công chúng các nước về những áp lực kinh tế, thương mại do ảnh hưởng từ cuộc xung đột đang diễn ra.
Động thái trưng cầu dân ý này cũng sẽ làm giảm đáng kể tầm ảnh hưởng của Liên minh châu Âu đối với các vấn đề chung cũng như EU khó có thể áp đặt quan điểm của khối đến với các quốc gia khác. Nó cũng khẳng định lại các nước có quyền được quyết định các vấn đề ảnh hưởng tới tương lai của quốc gia, dân tộc.
Trong khi EU đang nỗ lực thể hiện tầm ảnh hưởng của mình với các vấn đề chung, đặc biệt trong việc giải quyết cuộc xung đột hiện tại và đưa các bên tham gia đàm phán thì việc trưng cầu dân ý của Hungary sẽ tạo đà cho những làn sóng đến từ những quốc gia đang đứng trên lằn ranh tiếp tục ủng hộ hay dừng lại đối với Kiev, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia EU đang nỗ lực chuyển trọng tâm sang việc tái vũ trang, nâng cao năng lực quốc phòng, thúc đẩy năng lực an ninh chung của cả Liên minh EU.
Trong khi các bên cố gắng gây sức ép với Hungary bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng, chính phủ Hungary đã tạo ra diễn đàn hợp pháp duy nhất để đưa ra quyết định: một cuộc bỏ phiếu công khai. Không giống như các bản kiến nghị hoặc hoạt động vận động hành lang đảng phái, cuộc bỏ phiếu này cho phép người dân Hungary được nói lên quan điểm của mình. Và điều này có thể lan rộng ra những quốc gia khác trong giai đoạn tới.
Với một châu Âu ngày càng bị định hình bởi các chương trình nghị sự, Hungary đã đưa ra lựa chọn ngược lại là hỏi người dân và sẽ hành động theo quyết định của họ. Cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ khẳng định lại chủ quyền của mỗi quốc gia và đảm bảo rằng tương lai của Hungary sẽ không được quyết định bởi yếu tố bên ngoài mà bởi chính người Hungary. Nếu điều này đạt thành công nhất định chắc chắn sẽ tạo một xung đột mới trong nội tại của các quốc gia EU và tương lai cho giải pháp ủng hộ đối với Ukraine sẽ ngày càng gặp trắc trở hơn bao giờ hết.
Hải Đăng/VOV-Praha